Độc đáo nghề chạm bạc của đồng bào Chăm

Đăng ngày 02 - 02 - 2024
Lượt xem: 115
100%

 

Anh Đàng Chí Quyết, Bí thư chi bộ, Trưởng Khu phố Bàu Trúc  thuộc thị trấn Phước Dân giới thiệu ngoài nghề làm gốm ở địa phương còn có nghề chạm bạc tinh xảo. Gia đình các nghệ nhân chế tác nhiều sản phẩm phục vụ nghi lễ tâm linh của đồng bào Chăm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Các gia đình làm nghề chạm bạc cho thu nhập ổn định, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành, tích cực góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Vợ chồng nghệ nhân Đàng Thị Mỹ Trâm gắn bó với nghề chạm bạc thủ công ở làng Bàu Trúc

Theo hướng dẫn của trưởng khu phố Bàu Trúc, chúng tôi đến thăm gia đình nghệ nhân Đàng Thị Mỹ Trâm (tên thường gọi chị Bán) ở trong con hẽm nhỏ trên đường Đổng Dậu. Vô tới đầu ngõ, chúng tôi nghe tiếng búa nghề chạm bạc vang trong nắng sớm. Giữa khoảng sân che mái tôn mát rượi là “xưởng” chế tác các sản phẩm kim khí phục nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm. Hai vợ chồng chị Mỹ Trâm và cô con gái út Kinh Thị Mộng Ngưng khẩn trương hoàn thành những chiếc ống nhổ (Chối- tiếng Chăm) kịp giao đúng hẹn cho khách hàng. Vừa gõ búa gò những miếng nhôm mỏng thành hình dạnh của chiếc ống nhổ, chị Mỹ Trâm cho biết nghề chạm bạc lưu truyền lâu đời ở làng Bàu Trúc. Trước đây, cha của chị là nghệ nhân Đàng Giáo Chức được ông bà truyền dạy nghề chạm bạc. Chị Mỹ Trâm là con gái thứ chín trong gia đình có 13 người con được cha tận tâm dạy nghề chạm bạc từ lúc vừa tròn hai mươi tuổi. Đến nay, chị Mỹ Trâm có gần 50 năm gắn bó với nghề chạm bạc “cha truyền con nối” duy nhất ở làng Chăm Bàu Trúc.

Gia đình nghệ nhân Đàng Thị Mỹ Trâm chế tác các sản phẩm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm

 Sau khi ông Đàng Giáo Chức qua đời, chị Mỹ Trâm tiếp tục truyền nghề chạm bạc cho chồng là Kinh Văn Cần và cho hai con gái là Kinh Thị Mỹ Cưng, Kinh Thị Mộng Ngưng. Ngoài ra, chị còn truyền nghề cho vợ chồng người em gái út  là Đàng Thị Mỹ Thắm giữ lấy nghề chạm bạc truyền thống. Gia đình chị chế tác hàng ngàn sản phẩm phục vụ cho đồng bào Chăm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Sản phẩm do chị Mỹ Trâm chế tác chủ yếu là khay trầu (khai la), hộp trầu (hốp la), cổ bồng trầu (thôn la) và các dụng cụ sử dụng trong lễ trưởng thành của đồng bào Chăm Bà ni như dao cắt tóc, hủ đựng vôi, chén dựng nước, hộp dựng trầu cau. Ngày xưa các sản phẩm phục vụ lễ nghi chủ yếu được làm bằng bạc ròng do giá thành bạc quá cao nên người thợ chuyển sang làm bằng đồng. Hiện nay, người thợ chạm bạc chủ yếu sử dụng nhôm lá có độ dày dưới 1 ly giá rẻ, phù hợp với thu nhập của người tiêu cùng. Ống nhổ giao cho các thương lái với giá 90.000 đồng/chiếc; khay và hộp trầu có giá 600.000 đồng/bộ; cổ bồng trầu có giá 1.600.000 đồng/bộ…

Nghệ nhân Đàng Thị Mỹ Trâm với sản phẩm hộp trầu chế tác thủ công.

Để chế tác thành thạo các sản phẩm chạm bạc phục vụ tín ngưỡng đồng bào Chăm, người thợ phải cần mẫn chí thú học nghề ít nhất hai năm. Nghề chạm bạc không khó chỉ cần đức tính kiên trì công phu trong từng nét chạm đem lại sản phẩm đẹp, bền, rẻ cho người tiêu dùng. Ngoài việc gò tạo dáng cho sản phẩm, người thợ phải biết sáng tạo trong từng đường nét hoa văn chạm trổ tinh xảo. Đơn cử trên chiếc khay đựng trầu, nghệ nhân phải chạm hình tượng âm dương, rồng phượng, hoa lá cách điệu tạo nên nét đẹp đặc trưng của sản phẩm chế tác thủ công. Công cụ của nghề chạm bạc rất đơn giản, chỉ cần các búa nhỏ, các hòn đe, các trụ thép tròn để gò tạo dáng, chiếc chạm thép để tạo nét hoa văn. Sản phẩm của gai đình chị Mỹ Trâm làm ra không kịp giao theo đơn đặt hàng của thương lái cũng như của người quen đến đặt trực tiếp tại nhà.

 “Sau hai ngày lao động, gia đình tôi hoàn thành 20 chiếc ống nhổ trị giá 1,8 triệu đồng. Trưa nay, cháu Ngưng đưa qua giao cho người quen ở chợ Phú Quý nhận hàng trả tiền liền. Sau khi trừ chi phí vật liệu, mỗi công lao động có thu nhập trung bình 250.000 đồng/ngày. Gia đình tôi canh tác 6 sào ruộng lúa kết hợp nghề chạm bạc bảo đảm cuộc sống no ấm, nuôi bốn người con ăn học tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Vợ chồng tôi gắn bó với nghề chạm bạc và truyền dạy con cháu gìn giữ nghề tinh xảo do ông bà xưa truyền lại phục vụ tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm”, ngừng tay búa chế tác sản phẩm, chị Đàng Thị Mỹ Trâm chia sẻ niềm vui.

Tin liên quan

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

Lễ Yuơr Yang Cầu An – Từ trên các đền tháp về làng Chăm.(27/07/2023 2:07 CH)

Người họa sĩ gắn bó gốm Chăm Bàu Trúc(21/04/2023 8:51 SA)

Độc đáo nghệ thuật gốm Chăm Bàu Trúc(19/04/2023 11:52 SA)

Tin mới nhất

Đoàn Famtrip thành phố Gwangju Hàn Quốc tham quan và trải nghiệm tại làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ...(29/03/2024 4:45 CH)

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

Người giữ hồn nhạc lễ Tháp Pô Rômê(11/10/2023 8:39 SA)

Ninh Phước – Rộn ràng chuẩn bị lễ hội Katê của người Chăm(10/10/2023 1:40 CH)

79 người đang online
°