Lễ Yuơr Yang Cầu An – Từ trên các đền tháp về làng Chăm.

Đăng ngày 27 - 07 - 2023
Lượt xem: 272
100%

 

Ninh Phước là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống tập trung rất đông, chủ yếu tại 7 xã chiếm tỷ lệ 30,96 % so với dân số toàn huyện và chiếm trên 60% dân số đồng bào Chăm toàn tỉnh. Đồng bào Chăm ở đây còn gìn giữ nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó lễ Cầu an (Yuơr Yang) là 1 trong những nghi lễ được người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Phước duy trì thường xuyên. Hằng năm, cứ vào thượng tuần tháng Tư Chăm lịch, theo truyền thống tại 3 đền tháp: Tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome và đền Po Inư Nưgar các chức sắc cùng đông đảo người dân từ các làng Chăm mang lễ vật tới để làm lễ Cầu an. Sau khi làm lễ trên tháp chính xong, một số địa phương có đền tháp tiếp tục tổ chức các nghi lễ tại làng.

Lễ Cầu an ở các đền tháp Chăm diễn ra nhiều nghi lễ khác nhau như lễ tẩy uế đền tháp (talik tanưk), lễ đốt thần lửa (cuh yang apui), lễ cúng thần đền tháp (mưliêng yang bimôn), lễ đắp đập (taleh jamưng tăm) được tổ chức ở bờ sông Dinh. Trong đó, nghi lễ và chủ đề chính là Lễ đốt thần lửa, đây là sự tái tạo và thu nhỏ của các lễ nghi cộng đồng Chăm liên quan đến tục thờ thần lửa, thần Mặt trời, thần Nông, thần Thủy lợi… của cư dân nông nghiệp làm lúa nước.

Trước đây, sau lễ cúng tế Cầu an trên các khu đền tháp do các chức sắc Chăm Bàlamôn đảm nhiệm, ngày hội là của người nông dân xuống đồng, khai mương, đắp đập... Ngày nay, do sự phát triển về thủy lợi, nên lễ này chỉ dừng lại ở phạm vi lễ, không thực hiện phần hội,

Sau mấy năm liền ảnh hưởng bởi dịch bệnh, năm nay người Chăm từ các làng trong và ngoài huyện Ninh Phước, trang phục đầy màu sắc dắt con cháu, mang lễ vật gà luộc, bánh trái… bày cúng quanh các khu đền tháp rất đông. Tại tháp Po Klong Garai, phó Cả sư Lưu Sanh Thanh cho biết: “Việc tổ chức lễ để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu bây giờ không chỉ dành riêng cho người Chăm Bàlamôn, mà còn cho cả người Kinh, Raglei, Chu Ru… và mọi người nông dân. Tuy nhiên, theo truyền thống thì những người Chăm theo đạo Bàlamôn phải thực hiện lễ này để tưởng nhớ vua Po Klong Garai, người đã có công đắp đập, dẫn thủy nhập điền, dạy người dân làm lúa nước… Lễ Cầu an năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 23 đến 25/7. Tối ngày đầu tiên các chức sắc tập trung trên tháp đọc đại kinh, nội dung răn dạy các tín đồ, phải làm việc thiện, việc tốt, không được làm việc xấu... Sáng ngày thứ 2 thực hiện các nghi lễ tẩy uế đền tháp, cúng thần lửa và đền ơn cho Po Klong Garai và sáng ngày cuối cùng sẽ ra bờ sông Dinh để làm nghi lễ như thuở xưa vua Po Klong Garai đã đắp đập dẫn thủy nhập điền…”

Tại đền Po Klong Chank làng gốm Bàu Trúc, khác với các đền tháp chính mỗi năm tổ chức cúng tế 4 lần, tại đây mỗi năm chỉ tổ chức mở cửa đền và tổ chức cúng tế 3 lần, trong đó có lễ Cầu an, năm nay được tổ chức vào ngày 26/7. Mọi người trong làng ăn mặc chỉnh tề đội mâm lễ tới đền thành kính nghe vị chức sắc, đọc văn mời gọi và hát ngợi ca công đức các vị tiền nhân và cầu mong mọi người, mọi gia đình khỏe mạnh bình an, mưa thuận gió hòa, xóm làng sung túc…

Lễ Cầu an là nghi lễ, một sự kiện rất quan trọng trong năm, được người Chăm ở Ninh Phước được tổ chức long trọng và quy mô chỉ sau lễ hội Ka Tê diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch. Lễ Cầu an là một bộ phận cấu thành trong hệ thống lễ hội ở đền tháp và góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội người Chăm.

Một số hình ảnh Lễ Cầu an tại tháp Po Klong Garai và nghi lễ đắp đập bên bờ sông Dinh. Trong 2 ngày 24 và 25/7

Một số hình ảnh nghi lễ Cầu an được tổ chức tại đền Po Klong Chank, làng gốm Bàu Trúc thị trấn Phước Dân sáng ngày 26/7.

Tin liên quan

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

Độc đáo nghề chạm bạc của đồng bào Chăm(02/02/2024 11:17 SA)

Người họa sĩ gắn bó gốm Chăm Bàu Trúc(21/04/2023 8:51 SA)

Độc đáo nghệ thuật gốm Chăm Bàu Trúc(19/04/2023 11:52 SA)

Tin mới nhất

Đoàn Famtrip thành phố Gwangju Hàn Quốc tham quan và trải nghiệm tại làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ...(29/03/2024 4:45 CH)

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

Độc đáo nghề chạm bạc của đồng bào Chăm(02/02/2024 11:17 SA)

Người giữ hồn nhạc lễ Tháp Pô Rômê(11/10/2023 8:39 SA)

2 người đang online
°