Người họa sĩ gắn bó gốm Chăm Bàu Trúc

Đăng ngày 21 - 04 - 2023
Lượt xem: 346
100%

Huyện Ninh Phước tập trung quảng bá giới thiệu sản phẩm làng gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp trong dịp đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” gắn với Lễ hội Nho và Vang tỉnh Ninh Thuận năm 2023. Anh Sĩ Hoàng là họa sĩ gắn bó góp phần đưa nghề làm gốm của làng Bàu Trúc phát triển được thị trường ưa chuộng như ngày nay.

 

Chúng tôi có dịp gặp người họa sĩ tài hoa tại làng Bàu Trúc trong dịp anh về Ninh Thuận tham sự Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối UBND tỉnh tổ chức vào cuối năm 2018. Trao đổi với Họa sĩ Sĩ Hoàng, chúng tôi được biết anh gắn bó với làng gốm Bàu Trúc từ năm 1986, khi còn là sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Anh đến Bàu Trúc thực tập tốt nghiệp về nghệ thuật chế tác gốm Chăm và được bà Đàng Thị Vệ cưu mang cho ăn ở trong nhà coi như người con thân thiết của gia đình. Đây là dịp giúp anh có điều kiện tìm hiểu nét độc đáo của gốm Bàu Trúc và đời sống của người dân làng nghề. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở thành giảng viên của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 1997, anh về Bàu Trúc thăm người mẹ nuôi là nghệ nhân Đàng Thị Vệ. Anh nặng lòng trăn trở khi nhìn thấy sản phẩm gốm truyền thống như nồi đất, lu, khạp, ấm đất của mẹ Vệ làm ra chất đầy dưới giàn hoa giấy trước sân nhà do không cạnh tranh được với các mặt hàng cùng loại được sản xuất công nghiệp bằng chất liệu nhôm, nhựa.

Thương yêu người mẹ Chăm tần tảo một nắng hai sương gắn bó với nghề gốm, Họa sĩ Sĩ Hoàng nảy ra ý tưởng đưa hoa văn các dân tộc được kết bằng cườm trang trí trên gốm Bàu Trúc. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa nét mộc mạc của gốm Chăm với sự óng ả tinh tế của hoa văn kết cườm và phối màu tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Cuối năm 1998, Họa sĩ Sĩ Hoàng tổ chức triển lãm cá nhân tranh thảm nghệ thuật và gốm Bàu Trúc trang trí mỹ thuật. Cuộc triển lãm được giới mỹ thuật và công chúng đánh giá cao về nét độc đáo của gốm Chăm Bàu Trúc. Họa sĩ Sĩ Hoàng thường xuyên đi xe lửa từ ga Sài Gòn đến ga Tháp Chàm vào mỗi sớm Chủ nhật rồi đón xe thồ về nhà mẹ Vệ nghiên cứu, thiết kế mẫu gốm Chăm mỹ thuật.

Họa sĩ Sĩ Hoàng thăm cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ làng Bàu Trúc

Nghệ nhân Đàng Thị Vệ và con cháu tộc họ đã biến ý tưởng của người họa sĩ tài hoa thành những sản phẩm gốm mỹ thuật đặc sắc lần đầu tiên được chế tác tại làng Bàu Trúc. Suốt 3 năm ròng rã đi về hàng tuần giữa Sài Gòn- Tháp Chàm, đến giữa năm 2002, Họa sĩ Sĩ Hoàng tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề gốm Chăm Bàu Trúc gồm 800 sản phẩm với hơn 100 mẫu gốm mỹ thuật. Họa sĩ mời các nghệ nhân Đàng Thị Vệ, Đàng Thị Ngọ, Lưu Thị Bứng đưa đất làng Bàu Trúc vô TP. Hồ Chí Minh biểu diễn chế tác gốm Chăm. Giới mỹ thuật và các nhà kinh doanh gốm mỹ nghệ lần đầu được chứng kiến nét độc đáo của gốm Bàu Trúc, chế tác bằng tay, không bàn xoay, mang tính độc bản cao. Các sản phẩm gốm Chăm mỹ thuật trưng bày tại triển lãm được những người yêu thích mua giá cao gấp hàng chục lần, thậm chí cao gấp hàng trăm lần so với gốm gia dụng.

Từ những hướng dẫn ban đầu của Họa sĩ Sĩ Hoàng, các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc cần mẫn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ với kiểu dáng, họa tiết đặc sắc với khoảng 300 chủng loại như lọ hoa, bình nước, đèn trang trí, hình tượng văn hóa Chăm có tính nghệ thuật cao được sử dụng trong trang trí gia đình, khách sạn, nhà hàng cao cấp. Trong khuôn viên Bảo tàng áo dài Việt Nam do Họa sĩ Sĩ Hoàng sáng lập tại TP. Hồ Chí Minh, anh dành căn phòng có diện tích 40 m2 trưng bày 200 hiện vật gốm Chăm Bàu Trúc phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Họa sĩ Sĩ Hoàng chia sẻ niềm vui:”Tôi rất vui mừng khi nhìn thấy đời sống bà con làng gốm Bàu Trúc phát triển no ấm, thôn xóm khang trang hơn trước rất nhiều. Và niềm vui lớn hơn là Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi tiếp tục đồng hành đóng góp sức mình cho thương hiệu gốm Chăm Bàu Trúc ngày càng phát triển bền vững”.

Tin liên quan

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

Độc đáo nghề chạm bạc của đồng bào Chăm(02/02/2024 11:17 SA)

Lễ Yuơr Yang Cầu An – Từ trên các đền tháp về làng Chăm.(27/07/2023 2:07 CH)

Độc đáo nghệ thuật gốm Chăm Bàu Trúc(19/04/2023 11:52 SA)

Tin mới nhất

Đoàn Famtrip thành phố Gwangju Hàn Quốc tham quan và trải nghiệm tại làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ...(29/03/2024 4:45 CH)

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

Độc đáo nghề chạm bạc của đồng bào Chăm(02/02/2024 11:17 SA)

Người giữ hồn nhạc lễ Tháp Pô Rômê(11/10/2023 8:39 SA)

140 người đang online
°