Làng gốm Bàu Trúc là cũng là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đất nung mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Đây là một trong những địa điểm ở Ninh Thuận trong những năm gần đây luôn là điểm đến hấp dẫn đông khách du lịch.
Bàu Trúc toạ lạc ngay trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Làng nằm giữa quốc lộ 1a ở phía Đông, tuyến đường sắt Băc – Nam ở phía Tây; phía Băc là dòng Kênh Nam quanh năm đem nước về tưới cho các cánh đồng lúa 3 vụ tốt tươi. Bàu Trúc theo tiếng Chăm cổ gọi là Paley Hamu Trok, có nghĩa là “làng trũng, nhô ra cuối triền sông”. Trước khi Phước Dân lên thành Thị trấn thì Bàu Trúc còn có tên gọi là làng Vĩnh Thuận. Làng gốm Bàu Trúc hiện nay được chia tách thành 2 khu phố Bàu Trúc và khu phố 12. Trong tâm tưởng của nhiều người già ở làng thì vẫn nhớ sự kiện làng Bàu Trúc trước năm 1964 vốn ở bên kia đường xe lửa, do một trận lụt lớn năm Thìn, nên phải di dời cả làng về vị trí hiện tại. Cũng bởi vì thế, nên xưa là thôn và nay là khu phố các tuyến đường ngang ngõ hẻm trong khu dân cư Bàu Trúc rất vuông vắn như một khu đô thị mới quy hoạch.
Về làng nghe kể chuyện xưa
Theo dân gian truyền tụng, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po K’long Chank là một người bạn thân, đồng thời cũng là quan cận thần của vua Po K’long Giarai (1151-1205). Tương truyền, gần ngàn năm trước chính Po K’long Chank đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng. Nghề làm gốm ở đây, trước kia chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán. Phụ nữ Bàu Trúc lớn lên là đã được mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế, đời nối đời “mẹ truyền con nối”, nghề gốm ở ngôi làng này cứ mãi lưu truyền đến ngày nay. Người dân nơi đây coi Po K’long Chank là tổ của nghề gốm và mình là là con cháu của Po. Hàng năm vào dịp lễ hội Katê (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch). Nếu bạn ghé Bàu Trúc dịp này, sẽ được tham gia vào đoàn rước kiệu đầy màu sắc từ Nhà Làng ra Đền thờ Po K’Long Chank cách đó gần 2 km. Vào ngày này, các gia đình trong làng, ăn mặc trang trọng đội lễ vật tới dâng cúng, các vị chức sắc làm nghi lễ truyền thống mở cửa đền, tắm tượng… tất cả được tiến hành gần giống như cách người Chăm tổ chức trên các đền tháp trong ngày lễ hội Katê.
Bàu Trúc độc đáo từ sự khác biệt
Khác với các làng gốm trên dải đất Việt Nam như Bát Tràng (Hà Nội); Chu Đậu (Hải Dương); Biên Hòa – Đồng Nai hay làng Gốm Phước Tích – Thừa Thiên Huế, Thanh Hà – Quảng Nam… Khi những nơi này đã áp dụng rất nhiều các công nghệ vào sản xuất, dùng bàn xoay để nặn sản phẩm, đã sử dụng men để trang trí hay dùng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, ga… Thì người thợ gốm làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm mà cha ông gần ngàn năm nay đã làm. những sản phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật độc đáo, mà người ta hay gọi bằng cái tên rất dân dã “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất. tay trong thì ép, tay ngoài xoa biến những khối đất vô tri, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo, độc bản và mang đậm nét văn hóa Chăm. Cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…
Du khách tới đây sẽ còn ngạc nhiên vì gốm ở đây hầu như không có xưởng làm hay các cửa hàng trưng bày. Với hơn 400 hộ gia đình ở đây thì có tới 80% các gia đình đều tham gia làm gốm. Mỗi hộ gia đình là một xưởng gốm riêng biệt. Ngoài nhà trưng bày gốm được nhà nước đầu tư xây dựng, thì hầu hết nơi ở của các gia đình cũng chính là nơi chế tác, là lò nung gốm. Những gia đình có địa thế thuận lợi thì mở luôn showroom trưng bày, bán hàng. Để phục vụ khách du lịch, người Bàu Trúc gần như bất cứ lúc nào khi có yêu cầu, họ sẽ biểu diễn cho khách xem kỹ thuật tạo hình gốm truyền thống. Chỉ vài phút “tay nắn, mông xoay”, từ một cục đất vô tri vô giác, qua đôi bàn tay khéo léo, đã biến thành chiếc lọ hoa cân đối, xinh xắn với đủ hoa văn theo đúng yêu cầu của khách. Người Chăm làng Bàu Trúc vốn hiền lành và luôn biết chiều khách, họ rất nhiệt tình hướng dẫn, nếu bạn muốn xắn tay vào để tạo ra một sản phẩm riêng cho mình. Khách tới thăm thú nghề làm gốm cũng đồng thời được quan sát cuộc sống hàng ngày, được giao lưu văn hóa với các gia đình Chăm mà không hề yêu cầu trả phí, bạn có thể mua 1 vài sản phẩm xinh xắn để về trưng bày hay làm quà tặng người thân. Còn muốn mua sản phẩm lớn để trưng bày sân vườn thì chỉ cần cho địa chỉ họ sẽ gửi về tận nhà.
Độc đáo gốm Chăm “độc bản” pha… vàng.
Về làng gốm Bàu Trúc, bạn sẽ nghe người dân ở đây nói về các sản phẩm gốm truyền thống như lu, bếp, nồi… làm ra chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Thời bao cấp, cứ sau mùa gặt dân làng lại ra cánh đồng làng bên bờ sông Quao để đào đất về làm gốm. Khi lúa được sạ xanh đồng, làng Bàu Trúc lại mù mịt khói nung gốm, từng chuyến xe ngựa, xe tải chất đầy gốm thành phẩm đi tới các làng xa và vươn thị trường tới các vùng phụ cận Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa.
Bây giờ tới các cơ sở gốm ở đây đã chuyển qua làm gốm mỹ nghệ, nghề gốm không chỉ dành cho phụ nữ, đàn ông đã tham gia vào làm gốm nhiều hơn, đặc biệt là làm gốm mỹ nghệ. Du khách tới đây, không thể thống kê có bao nhiêu mẫu mã từ các loại bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,… Đặc biệt ở đây có những tháp Chăm, tượng mô phỏng các vị thần của tôn giáo Balamon như Brahma, Vinus, Shiva… hay tượng nữ thần Apsara độc đáo. Kích thước thì từ nhỏ như ngón tay, tới các phù điêu lớn để trang trí trên các công trình kiến trúc ngoài trời. Mặc dù được chế tác thủ công, nhưng tất cả đều mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc hay đắp nổi mang đậm nét văn hóa Chăm Pa, nhưng người thợ hầu như không cần bản vẽ, họ tự do phóng khoáng gửi tâm hồn mình vào trong từng nét khắc hoa văn… Gốm Chăm Bàu Trúc truyền thống có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, xen lẫn những vệt nâu, đen xám, đấy là những màu đặc trưng kết tinh từ đất, nước qua lửa nung. Tính “độc bản” không có sản phẩm nào giống nhau chính là đây. Ngoài ra người thợ gốm vẫn có thể tạo màu cho sản phẩm bằng các loại vỏ cây và tuyệt đối không dùng men màu công nghiệp. Người dân làm gốm hay “khoe” với khách du lịch là gốm ở đây có pha vàng. Họ lấy bất kỳ một sản phẩm gốm đỏ tươi, giơ ra ánh sáng, sẽ thấy trong da gốm lấp lánh những đốm vàng nhạt. Giải thích cho hiện tượng này, người thợ gốm nói gốm ở đây không phải được làm thuần từ đất sét, mà khi làm nguyên liệu đất sét đã được pha với 1 phần cát non được lấy từ các con suối trên nguồn chảy về, cát nơi ấy có chứa rất nhiều sa khoáng. Khi pha vào đất để làm gốm và khi nung ở nhiệt độ 600-800 độ, các khoáng chất khác sẽ cháy hết, chỉ còn vàng non dạng sa khoáng bám lại thành gốm.
Du lịch làng gốm, không chỉ có gốm
Đến tham quan làng gốm Bàu Trúc các bạn còn được chiêm ngưỡng các thiếu nữ Chăm uyển chuyển xòe quạt qua các điệu múa truyền thống rộn ràng trong tiếng trống Ghi Năng, tiếng kèn Saranai hay những bài dân ca Chăm: Thay Mai, Daoh Dam Dara… da diết. Nếu đặt trước hoặc về đúng dịp lễ tết của người Chăm Bàu Trúc, du khách sẽ được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống từ thịt trâu, thịt dê, cừu, gà nấu bằng các loại rau lá đặc trưng của địa phương… hoặc các loại bánh truyền thống của người Chăm được làm từ bột nếp, trứng gà như, Ginraong lay hay món bánh sakaya ngày xưa dùng để tiến vua…
Tới du lịch làng gốm Bàu Trúc bạn có thể đăng ký lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ ở các khu phố lân cận, hoặc có thể ở ngay tại các phòng nghỉ khá đầy đủ tiện nghi, tại nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình do chính phủ Ấn Độ tài trợ mới đưa vào sử dụng.
Nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm Bàu Trúc , đây là nơi tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá, ẩm thực... đón tiếp khách du lịch, đồng thời là nơi phục vụ khách lưu trú khi có nhu cầu
Với xu hướng khách du lịch có nhu cầu tìm lại các giá trị tự nhiên, gắn liền với văn hóa bản địa, đến du lịch làng gốm Chăm Bàu Trúc, thông qua các dịch vụ, sản phẩm từ các hoạt động văn hoá phi vật thể, từ sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương sẽ cho bạn được khám phá và hiểu hơn các nét đẹp ý nghĩa và tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bởi đằng sau mỗi sản phẩm thủ công truyền thống còn là chuyện nghề, chuyện đời và cả sự trăn trở trong chặng đường phát triển, bảo tồn loại hình Di sản văn hoá phi vật thể nghề làm gốm Chăm vừa được UNESCO ghi danh.
Sơ đồ đến làng gốm Bàu Trúc
Một số hình ảnh du khách đến tham quan tại Bàu Trúc: