Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Ngày 29- 11- 2022, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chương trình du lịch di sản Bàu Trúc gắn với nghề làm gốm truyền thống của người dân tại làng kết hợp tham quan đồng đất sét và đền thờ tổ nghề gốm Bàu Trúc ở khu vực Xóm Cũ.
Vào dịp Katê hàng năm, dân làng Bàu Trúc trang phục xinh đẹp nô nức đưa vật phẩm gồm bánh trái, hoa quả, trầu cau đến đền giỗ tổ Pôklong Chanh trên vùng đất Xóm Cũ, cách làng Bàu Trúc ngày nay khoảng 2 cây số về hướng Tây- Bắc. Nhà nước hỗ trợ và nhân dân địa phương đóng góp trên 1 tỉ đồng xây dựng đền thờ mới khang trang phục vụ tốt nhu cầu phụng thờ tổ nghề gốm Chăm. Phong tục cúng tổ nghề gốm do ông Kà thành, bà bóng, ông thủ đền đảm nhận trước sự chứng kiến của các vị chức sắc Bàlamôn. Bà bóng và ông thủ đền lo việc tắm tượng, mặc y phục cho tượng thờ. Ông Kà thành vừa đàn kanhi vừa hát ngợi ca công đức tổ nghề và cầu mong xóm làng bình an, may mắn, thịnh vượng. Dân làng bày vật phẩm cúng kính cầu mong nghề gốm phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc...
Nghi thức mặc trang phục cho vợ chồng tổ nghề gốm Pôklong Chanh
Anh Đàng Chí Quyết, Trưởng khu phố Bàu Trúc cho biết truyền thống giỗ tổ nghề gốm tại đền Pôkong Chanh diễn ra hàng năm vào dịp Katê. Đây là dịp người dân làng nghề tưởng nhớ công ơn của ông tổ dạy dân làng làm gốm, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, thôn xóm phồn vinh. Theo đề án phát triển du lịch làng nghề, du khách đến Bàu Trúc được hướng dẫn tham quan nhà trưng bày gốm Bàu Trúc- cơ sở sản xuất gốm- đền Pôklong Chanh- xem chương trình dân ca dân vũ- thưởng thức ẩm thực Chăm. nàng Bàu Trúc, tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok, thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Toàn làng gốm (khu phố Bàu Trúc và khu phố 12) hiện có 1.286 hộ với 5.871 nhân khẩu gắn bó với nghề gốm truyền thống mẹ truyền con nối. Theo lưu truyền của cư dân địa phương, ông Poklong Chanh cùng vợ là bà Nai Lank Mưh dạy cho phụ nữ làm gốm từ ngày xưa được gìn giữ phát triển bền vững đến ngày nay. Nguyên liệu làm gốm là đất sét lấy từ cánh đồng Bàu Trúc đưa về đập nhỏ, đào hố ủ qua một đêm với lượng nước vừa phải. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Họ đi vòng quanh bệ gốm để chế tác sản phẩm đất nung cho ra sắc màu tươi son độc đáo. Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường, từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, tháp Chăm, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày của cư dân phương Nam như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi. Làng gốm Bàu Trúc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm làm quà lưu niệm.
Đồng bào Chăm làng Bàu Trúc bày lễ vật cúng tổ nghề gốm
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tạo động lực quan trọng đưa ngành du lịch địa phương ngày càng phát triển bền vững. Việc phát triển du lịch kết nối làng nghề với đền thờ Poklong Chanh và đồng đất sét Nu lanh tạo nên nét mới đặc sắc trong hoạt động du lịch. Mục tiêu của huyện Ninh Phước trong năm 2023 phấn đấu thu hút 450.000 lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn huyện; đạt giá trị sản xuất 3.236 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Bà con làng Bàu Trúc đoàn kết thi đua làm nhiều sản phẩm đẹp, bền, tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển làng gốm thịnh vượng, tích cực góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.