Ngôi tháp Chăm bí ẩn – điểm đến không thể bỏ qua khi tới Ninh Thuận.

Đăng ngày 04 - 04 - 2023
Lượt xem: 3.775
100%

 

 

Là 1 trong 2 tháp duy nhất mà cả trăm năm nay, người Chăm theo đạo Balamon còn duy trì các nghi lễ tín ngưỡng hàng năm.

Về Ninh Thuận, nhất là đúng dịp lễ hội Katê hàng năm, ngoài những điểm tập trung của Lễ hội như khu đền tháp Po Klong Garai, hay thôn Hữu Đức thì có 1 nơi người dân cũng như khách du lịch không thể bỏ qua, đấy là khu đền tháp Po Rome (theo tiếng Chăm gọi là Bimong Po Ramé) hay còn được gọi là tháp Hậu Sanh, bởi tháp ngự trên ngọn đồi “Mbuen Acaow” thuộc thôn Hậu Sanh (Palei Thuen), xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng có thể coi là khu đền tháp cuối cùng mà người Chăm dựng lên và còn tại, thể hiện cho nét nghệ thuật của người Chăm xưa tại miền đất Panduranga sau hàng trăm năm biến thiên của lịch sử. Po Rome đồng thời cũng là 1 trong 2 tháp duy nhất mà cả trăm năm nay, người Chăm theo đạo Bàlamôn còn duy trì các nghi lễ tín ngưỡng hàng năm.

Tháp Po Rome (theo tiếng Chăm gọi là Bimong Po Ramé) hay còn được gọi là tháp Hậu Sanh,được xây dưng thừ thế kỷ XVII thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng chừng 9 km về phía Nam theo QL 1a, đến trung tâm thị trấn Phước Dân của huyện Ninh Phước, theo đường Huỳnh Phước, đi tiếp 8 km nữa qua trung tâm xã Phước Hữu rẽ trái theo hướng đi đập Tân Giang, qua thôn Hậu Sanh là tới Tháp Po Rome. Ở vùng đất Ninh Thuận, cũng giống như suốt dải đất miền Trung, đa phần các cụm tháp Chăm đều nằm trên những gò cao, ngọn đồi thấp, đây là vị trí gần như là trung tâm của vùng, có thể quan sát thấy từ rất xa. Ngày đẹp trời đứng ở trên tháp Po Klong Garai ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, vẫn nhìn thấy tháp Po Rome về phía Tây Nam, cách đó 14 km đường chim bay. Điều này có thuyết lý giải rằng, theo quan niệm của người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn, thì các vị thần linh hay vua chúa khi sang bên kia thế giới thì tìm đến các đỉnh núi ngự trị.

   

Vào dịp lễ hội Kate hàng năm người Chăm tổ chức rước y trang vua Po Rome từ làng lên tháp thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng

Tháp Po Rome là một trong những tháp xây dựng muộn nhất của người Chăm. Được xây dựng vào thế kỷ XVII thuộc phong cách muộn, cũng giống như tháp Po Klong Garai, đây là ngôi tháp không phải thờ thần như phần lớn các tháp Chăm khác mà là thờ vua Po Rome, một trong những vị vua độc lập cuối cùng của Champa được người Chăm phong thần khi băng hà. Ông là vị vua có nhiều công lao đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm. Theo sử liệu, bia ký và tục truyền của đồng bào Chăm thì vua Po Rome (1627 – 1651) là người có công xây dựng đất nước Chămpa trong khi trị vì, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi như: đập nước Cà Tiêu (Banâk Katéw), đập Chà vin (Banâk Caping), đập Ma rên (Banâk Marén), ngoài ra ông còn cho khai một con mương dài khoảng 40km dẫn nước từ trên núi xuống dưới đồng bằng. Người dân nhờ công trình thủy lợi này mà phát triển sản xuất nông nghiệp, cấy trồng, chăn nuôi. Do có nhiều công lao như vậy, khi ông mất người Chăm thờ cúng và xem ông như một vị thần.

Tháp Po Rome –chính là bản sao không hoàn hảo của tháp Po Klong Garai.

Với tổng thể kiến trúc gồm có ba ngôi tháp: tháp chính, tháp cổng và tháp lửa. Nhưng hiện tại chỉ còn lại một ngôi tháp chính, còn hai ngôi tháp xung quanh đã sụp đổ vẫn còn nguyên dấu tích. Về phong cách kiến trúc, thì theo các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là bản sao không hoàn hảo của tháp Po Klong Garai. Tháp Po Rome được xây theo phong cách kiến trúc hậu Bình Định – thời kỳ muộn (phong cách muộn), phong cách tiêu biểu sau phong cách Hòa Lai (cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ VI) (thế kỷ IX – XII sai). Điều đặc biệt và có thể nói là đáng tiếc là khi xây ngôi tháp này, những người thợ Chăm xưa hình như đã “quên” mất cách tạo ra chất kết dính, dùng để gắn các viên gạch lại với nhau như có ở hầu hết các cụm tháp Chăm còn hiện hữu, mà giữa những viên gạch đã có lớp kết dính (vữa hồ) khá dầy. Bởi thế, dù xây sau cụm tháp Po Klong Garai khoảng 4 thế kỷ, nhưng các tháp hầu như đã đổ sập, hiện chỉ còn tháp chính sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa nay có thể nói là còn khá nguyên vẹn. Theo hồ sơ di tích tại bảo tàng tỉnh Ninh Thuận lập: Tháp chính Po Rome cũng như mọi tháp Chăm khác, hình dáng giống như một khối vuông trừ phần cửa ra vào. Tháp cao 16,5m, gồm 4 tầng. Tầng nền: mỗi cạnh dài 7,30m. Các cửa giả có ba thân để trơn gần trán cửa ở phía trên hình mũi giáo ba lớp và khung cửa gồm ba lớp cột ốp bên dưới. Trán cửa được khoét rỗng để đặt tượng người ngồi, quanh rìa trán cửa (trên cả ba lớp) được trang trí các hình lá leo bằng đất nung. Hai tầng trên lặp lại y hệt bố cục và hình dáng của phần thân, tầng thứ ba cũng giống như hai tầng dưới, nhưng không có ụ nhọn ở các góc. Đỉnh nóc là một tảng đá lớn hình tháp cong bốn mặt được trang trí bằng những nét khắc vạch. Về bố cục và cấu trúc của tháp là một công trình kiến trúc nghệ thuật, ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của tháp được trang trí bằng các họa tiết gốm, đá, với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần… Tất cả các loại hình những họa tiết trang trí trên thân tháp đều là những công trình chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ, mang đầy đủ ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm

Cửa Tháp quay về phía Đông. Sân tháp nơi trong những dịp lễ thường tổ chức đón khách và làm các nghi lễ theo tín ngưỡng

Trước cửa tháp Po Rome là một sân nhỏ hình chữ nhật dài 5m, rộng 3m, đây là nơi thường hay tổ chức các sự kiện, nghi lễ tín ngưỡng trong dịp lễ hội. Từ sân lên đến cửa được nối với nhau bằng bậc tam cấp. Ngay phía trên cửa chính vẫn còn dấu vết của một bức phù điêu đã không còn. Năm 2010 trong quá trình đào bờ kè để đổ bê tông làm bậc cấp lối lên tháp Po Rome, thì phát hiện những mảnh vỡ của tượng đá được chôn lắp tại hướng chính Đông đối diện chính giữa cửa tháp chính. Theo các nhà nghiên cứu, khả năng đây chính là bức tượng thần Shiva khi gắn lên hoặc có thể ai đó làm vỡ và vì lý do nào đó mà không làm lại để gắn lên như giống như ở tháp Po Klong Garai. Cửa tháp cao 1,7m, rộng 1,2m. Khung cửa ra vào bằng đá, cửa có cánh bằng gỗ sơn màu huyết bò, trước kia làm bằng đá (vì có một phiến đá mỏng hình như làm chức năng cánh cửa và kích thước hoàn toàn trùng hợp với kích thước của ô cửa, được ghép vào phiến đá thô lát nền và đã bị gãy làm đôi, phiến đá này hiện nay nằm ở bên phải cánh cửa tháp theo hướng Đông). Trong tiền đường có hai tượng bò thần Nandin tạc bằng đá xanh, uy nghi dũng mãnh. Người Champa xưa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, nên theo tín ngưỡng cũng tôn thờ hình tượng bò Nandin, bởi theo truyền thuyết nó là vật cưỡi của thần Shiva (một trong ba ngôi thần tối cao của Ấn Độ giáo gồm: Brahma, Shiva và Visnu). Trong lòng tháp, không gian khá chật hẹp kéo dài theo chiều Đông - Tây, mỗi cạnh dài 4m và thu hẹp dần lên đến đỉnh nhưng không xây kín thành một khối đặc như thường thấy ở các tháp khác mà chừa rỗng cho đến phần độc thạch trên cùng. Có chừa 4 lỗ hình trụ thông ra 4 hướng.

Tượng thờ vua Po Rome- tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị

Trung tâm lòng tháp là khu vực đặt tượng thờ vua Po Rome. Đây là tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị, thể hiện hình ảnh Thần – Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Chăm Pa

 

Trung tâm lòng tháp là khu vực đặt tượng thờ vua Po Rome. Đây có thể coi là tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị. Tượng thể hiện hình ảnh Thần – Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Champa. Tượng vua Po Rome bằng đá dưới hình thể Mukhalinga cao 1,2m. Bức tượng có 8 tay, 2 tay chính úp lên bụng. Các tay khác đưa lên cao và gắn vào vai. Mỗi bàn tay cầm một vật là biểu trưng chính của thần Shiva: bên trái chiếc đinh ba, thanh kiếm, một cái chén và bên phải gồm một dao găm, một búp sen và một vật nhìn giống một chiếc lược nhưng cũng có thể là một chiếc cung nhỏ. Đằng sau mũ trụ của vua, phía trên hai cánh tay trên cùng có hai hình xoắn như ngọn lửa đỡ lấy hai cái đầu. Ngoài ra, bên trên đầu tượng chính còn có ba đầu nữa được dặt chồng lên nhau, chiếc đầu thứ nhất từ dưới lên có cả vai. Các đầu đều đội mũ trụ tóe ra 5 tia hình lông công, có đeo hoa tai và vòng cổ. Toàn bộ cấu trúc của tượng vua đều được quét sơn: bia đá màu đỏ, các hình trang trí màu đen, mặt trắng, môi đỏ, các nét mắt đen đậm, những biểu tượng cầm tay màu vàng. Bệ tượng có một dãy chấm nổi ở giữa hai gờ lượn. Toàn bộ phần tượng đặt trên một Yoni lớn bằng đá sa thạch, chiều cao 0,30m, dài 1,70m, rộng 1,25m, có rãnh chảy quanh tượng vào tấm bia đá rồi kéo dài đến tận bên trên một con voi nhỏ nằm nghiêng gần bệ (xem lại có voi nằm nghiêng không). Phía bên phải có tượng thờ Hoàng hậu Po Bia Than Can tượng bán thân ngồi trên một cái bệ đá, cao 0,75m, rộng 0,30m. Đây cũng là khu vực các chức sắc làm các nghi thức hành lễ trong các dịp lễ lớn của người Chăm. (Bên tháp chính là tháp phụ (đã sụp đổ) thờ hoàng hậu Bia Than Cih, đặc biệt gần tháp phụ cňn lŕ khu mộ táng của vua Po Rome xem lại không chuẩn nên bỏ cụm từ này). Phía sau Tháp chính, ở phía Tây - Nam, còn có một ngôi miếu nhỏ thờ tượng hoàng hậu Bia Than Cih bằng đá. Phía bên trái tháp là biểu tượng Linga khá hoàn chỉnh bằng đá trắng điểm đốm đen. Linga trên tháp Po Rome cao khoảng 1,3m, là một khối bốn cạnh, dưới nhỏ trên loe dần và chụm lại giống như hình búp sen. trên đỉnh đầu linga có khắc hình hoa bốn cánh.

Tượng hoàng hậu Bia Than Cih được đặt thờ trong ngôi miếu nhỏ phía sau tháp

 

Những bí ẩn chưa có lời giải

Tháp Po Rome vẫn là ngôi tháp chứa đựng nhiều bí ẩn. Theo các nghiên cứu thì trên đền tháp này có sự hỗn dung giữa tôn giáo Bàlamôn, Hồi giáo và một số yếu tố liên quan đến các tộc người thuộc vương quốc Champa xưa. Trên tháp Po Rome trước đây đã có hai tượng Kút nằm phía sau tháp, bằng đá, một Kút có hoa dây uốn lượn; một Kút khác được trang trí hoa văn hình ngọn lửa và hoa dây uốn lượn, giữa có khắc hình hoa bốn cánh. Trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa, tượng Kút là một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Đến giờ, nguồn gốc của loại hình này vẫn còn nhiều bí ẩn.

Tháp Po Rome vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa có lời giải.

Ngoài những tượng thờ, nghĩa địa “Kut” hiện hữu, trong đợt trùng tu tháp năm 2010 đã tìm thấy những mảnh tượng thần Shiva bị vỡ chôn ở phía đông tháp; hộp Klaong đựng mảnh xương trán của người Chăm Bàlamôn và khu mộ “Ghur” của người Chăm Bàni… Tất cả vẫn là những điều bí ẩn đang chờ các nhà nghiên cứu giải thích.

Dấu vết của tháp bị đổ vẫn còn bên tháp chính 

Tháp Po Rome đồng thời là một thắng cảnh tự nhiên hoang sơ hữu tình.

Trước và sau năm 1975, việc di chuyển lên tháp rất khó khăn. Từ làng Hậu Sanh lên đến chân tháp chủ yếu là đi bộ hoặc dùng xe bò, bởi đường đi toàn đá lởm chởm. Sau này khi thành lập xã mới Nhị Hà của huyện Thuận Nam và thi công Hồ Tân Giang năm 2009 thì con đường được mở rộng, trải bê tông và đến nay được thảm nhựa phẳng phiu, việc di chuyển đã rất dễ dàng. Ngoài việc tôn tạo, bảo tồn khu vực tháp chính, phía dưới chân tháp các công trình phụ trợ, đường đi, sân vườn trồng cây, nơi để xe, nhà trưng bày, lối lên tháp… cũng được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tham quan của mọi người. Ở đây hiện tại không thu vé tham quan, nhưng cũng không có điểm nào phục vụ ăn uống, giải khát (Trừ dịp lễ hội Katê). Bởi vậy du khách phải chuẩn bị đầy đủ cho mình khi tới thăm tháp Po Rome. Nếu muốn lưu trú tại khu vực này để có thể khám phá thêm về thiên nhiên và văn hóa, du khách có thể tìm đến các homestay tại thôn Hậu Sanh cách đó 1 km, hoặc đi qua cánh đồng điện gió tới farmstay Khánh Ly ở thôn Tân Đức để trải nghiệm khung cảnh văn hóa, ở nhà Chăm, ẩm thực Chăm.

Ghé tháp Po Rome dù thời tiết có nắng nóng thế nào đi nữa, du khách cũng đều thấy gió lồng lộng rất mát, bởi Tháp tọa lạc trên ngọn đồi cao khoảng 50m, xung quanh là vùng thấp nên khu tháp không bị che chắn gì. Trên khuôn viên tháp có rất nhiều cây cao, bóng mát quanh năm. Đứng ở đây có thể bao quát cả vùng rộng lớn từ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đến Cà Ná phía nam tỉnh. Phía sau những trụ điện gió là hồ nước thủy lợi Bàu Zôn, là con đường cao tốc Bắc Nam đang thi công, kéo dài từ phía Phước Vinh về hầm chui núi Vung đi qua Vĩnh Hảo… Buổi chiều khi mặt trời gần lấp sau cao nguyên Lâm Viên, cả dãy núi rừng xanh rì của chiến khu CK7 xưa, nhuộm hồng rực rỡ. Dưới chân tháp từng đàn dê, cừu thong thả về chuồng tạo nên cảnh yên bình không phải đâu cũng có được. Chính vì phong cảnh còn hoang sơ, nên từ lâu tháp Po Rome đã được các nhà làm phim, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tìm đến để tác nghiệp.

   

   

Một số hình ảnh về kiến trúc bên ngoài của tháp Po Rome.

Và cũng như bao đền tháp khác, hằng năm, Tháp Po Klong Garai đều tổ chức các lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ công ơn của vị vua Po Rome. Thăm quan tháp vào đúng những dịp lễ này, bạn sẽ được hòa mình trong dòng người nhộn nhịp đầy màu sắc, cũng như hiểu rõ hơn về văn hóa của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Các lễ hội truyền thống ở Tháp Po Rome hàng năm bao gồm: Lễ mở cửa tháp; Lễ cầu đảo (Yuôr Yang); Lễ hội Katê; Lễ hội Chabul (lễ cúng Nữ thần Mẹ xứ sở)…

Trải qua nhiều biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian, Tháp Po Rome vẫn lưu giữ nguyên vẹn những hiện vật, dấu tích cổ xưa và các giá trị truyền thống lâu đời của văn hóa Champa. Nếu có cơ hội đến với Ninh Phước, Ninh Thuận, bạn đừng quên ghé thăm cụm tháp nổi tiếng này để chiêm ngưỡng đỉnh cao kiến trúc nghệ thuật và khám phá những nét tín ngưỡng tâm linh độc đáo của dân tộc Chăm. Tháp Po Rome cũng được ngành du lịch chọn là 1 điểm đến trong hành trình trải nghiệm, giành cho khách du lịch.

Tháp Po Rome được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1140/1992/QĐ-BVHTT ngày 31/8/1992.

   

   

Khung cảnh xung quanh tháp còn hoang sơ và hữu tình

Tin liên quan

Tưng bừng lễ rước y trang tại đền thờ ông tổ nghề gốm Bàu Trúc(04/10/2024 2:09 CH)

Người Chăm Ninh Thuận tưng bừng lễ hội KaTê 2024(03/10/2024 8:39 SA)

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

Độc đáo nghề chạm bạc của đồng bào Chăm(02/02/2024 11:17 SA)

Tin mới nhất

Tưng bừng lễ rước y trang tại đền thờ ông tổ nghề gốm Bàu Trúc(04/10/2024 2:09 CH)

Người Chăm Ninh Thuận tưng bừng lễ hội KaTê 2024(03/10/2024 8:39 SA)

Đoàn Famtrip thành phố Gwangju Hàn Quốc tham quan và trải nghiệm tại làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ...(29/03/2024 4:45 CH)

Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024(09/03/2024 8:12 SA)

Người giữ nhịp đờn ca tài tử làng Bình Quý(06/02/2024 8:11 SA)

6 người đang online
°