Người Chăm Ninh Phước vào mùa lễ Rija Nagar 2024

Đăng ngày 12 - 04 - 2024
Lượt xem: 64
100%

Ngày 11/4, trùng với dịp kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1945-16/4/2024) và chào mừng 49 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024, cùng với cộng đồng Chăm tỉnh Ninh Thuận, nhiều làng Chăm trong huyện Ninh Phước đã tổ chức lễ Rija Nagar – được gọi là lễ hội đầu năm (Chăm lịch). Với các hoạt động cúng lễ đầu năm mới, mang ý nghĩa xua tan đi thời tiết nắng nóng của mùa khô hạn và tống khứ những điều xấu xa, ô uế còn sót lại của năm cũ, để bước sang năm mới cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, làng xóm yên ấm.

 

Nghi lễ đầu năm mới đánh dấu thời điểm chuyển mùa

Giống như nhiều dân tộc trên thế giới, ở Việt Nam Tết hay còn được gọi là lễ đón “năm mới” mang một ý nghĩa chuyển tiếp linh thiêng của một chu kỳ thời gian. Nếu như Tết Nguyên đán là thời điểm từ mùa đông lạnh giá chuyển sang mùa xuân ấm áp, thì lễ Rija Nagar của người Chăm theo đạo Bà-la-môn và đạo Bà-ni còn được gọi là lễ đầu năm mới, lại đánh dấu thời điểm chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, đồng thời cũng là mốc thời gian khởi đầu một vụ trồng cấy mới của cư dân vùng đất miền Trung. Trước đây, khi chưa có những hệ thống thủy lợi thì việc trồng cấy sản xuất nông nghiệp, chủ yếu chỉ trông vào “nước trời”. Bởi vậy nghi lễ Rija Nagar cầu mưa thuận gió hòa luôn có ý nghĩa quan trọng trong tâm thức người Chăm.

Dân làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước mang mâm lễ tới đền thờ Po Riyak làm lễ.

Nghi lễ Rija Nagar thông thường diễn ra trong hai ngày trong tuần đầu tiên của tháng 1 Chăm lịch, mỗi ngày có một lễ vật khác nhau được quy định theo phong tục Chăm phản ánh qua câu tục ngữ “Tamâ mânuk, tabiak pabaiy” tức là “ngày vào cúng gà, ngày ra cúng dê”. Điều này có nghĩa là ngày vào cúng thần mới, là các vị thần ảnh hưởng của tôn giáo Islam và ngày ra cúng thần cũ, là các vị thần Bàlamôn. Mặc dù nội dung vẫn thế, tuy nhiên việc tổ chức các nghi lễ cúng tế mỗi làng cũng có điểm khác nhau, từ thời gian, địa điểm tới cách hành lễ. Như làng Bàu Trúc cúng từ ngày 10/4 và được tổ chức tại đền Po Klong Chank; làng Chăm Như Bình, xã Phước Thái, lễ Rija Nagar được các gia đình tổ chức khá linh đình không kém lễ hội KaTê, cả làng mang lễ vật dê, gà,  bánh trái ra 1 khu đất để cùng nhảy múa và nhờ các chức sắc làm lễ cầu chúc cho gia đình, dòng họ sang năm mới mọi việc đều hanh thông, con cái học hành chăm ngoan, hoặc mọi gia đình ở làng Chăm Mỹ Nghiệp mang bánh trái hoa quả về làm lễ cúng đền Po Riyak, thành kính làm lễ theo điệu múa của ông Ka-ing và các bà Bóng của từng dòng họ…

Rộn ràng sân lễ trước giờ các chức sắc tới làm lễ tại thôn Như Bình xã Phước Thái.

Lễ hội Rija Nagar - sự hoà hợp tất cả cộng đồng người Chăm

Nếu như người Chăm Bàlamôn có lễ hội Katê, thì người Chăm Bà-ni có lễ hội Ramưwan được coi như là Tết của tôn giáo mình. Hai lễ hội này không nằm vào thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới theo như lịch dương lịch và âm lịch. Tuy nhiên, lễ hội Rija Nagar lại là sự hoà hợp tất cả cộng đồng người Chăm, bất kể theo tôn giáo nào đều thực hiện. Lễ Rija Nagar thường được tổ chức vào những ngày đầu tháng 1 theo Chăm lịch (nhằm vào khoảng tháng 3, tháng 4 Dương lịch). Đây là nét đặc trưng riêng, vô cùng đặc sắc trong văn hoá Chăm, khi có sự hoà hợp giữa tín ngưỡng bản địa và sự tiếp biến văn hoá mới khi các nhóm chức sắc Chăm như: Ông Kadhar (đại diện Chăm Ahier); Maduen, Acar (đại diện Chăm Awal), ông Ka-ing (thuộc tín ngưỡng bản địa) đều thực hiện nghi lễ Rija Nagar trong cùng một mốc thời gian. Trong dân gian Chăm có câu ngụ ngôn “Tacah yawa grâm bilan sa”, tạm dịch: “Khi nghe tiếng sấm Đông Tây, người Chăm hẳn biết là ngày đầu năm” và đây là thời điểm cộng đồng Chăm tổ chức lễ hội Rija Nagar, điều này trùng với nhiều cư dân lúa nước thuộc khu vực Đông - Nam Á, như: người Khmer có Tết “Chol Chnam Thmay”, hay Tết té nước Thingyan tại Myanmar; Tết Pimay của người Lào… đều diễn ra vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa.

Mâm lễ cúng của người dân thôn Như Bình, xã Phước Thái

Đặc sắc các điệu múa đạp lửa (tamia juak apuei).

Ngày đầu tiên (còn gọi là ngày "vào"), sau nghi lễ đầu tiên cúng thần Lew Yang, hai ông Maduen và Ka-ing mặc áo đỏ đốt trầm, rót rượu lần lượt mời các thần linh về dự lễ, trong khi tất cả dân làng đều chấp tay trên đầu hướng về bàn tổ, cùng nhau khấn nguyện cầu xin các thần ban cho dân làng gia đình bình yên, mưa thuận gió hòa. Ông Maduen vừa vỗ trống Paranưng vừa hát Damnây (thánh ca) và trong âm điệu réo rắt của kèn Saranai, tiếng trống Ghi Năng rộn ràng là những điệu múa của ông Ka-ing. Đây có thể coi là nghi thức rất quan trọng trong nghi lễ Rija Nagar.

Hàng ngàn người thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước đội lễ với dê, gà, bánh trái đến sân lễ để làm lễ Raja Nagar.

Mỗi vị thần được ông Ka-ing hóa trang và sử dụng đạo cụ với những điệu múa khác nhau. Lức thì nhịp nhàng khoan thai hiến dâng lên tổ mẫu Po Ina Nagar, khi thì nhẹ nhàng, thành kính bưng khay hoa quả để mời nữ thần Po Nai, với lời khấn ngài ban phước lành cho dân… Đặc biệt khi múa thỉnh mời các Cei (Hoàng tử), ông Ka-ing phải choàng túi đỏ và thay quạt khác rồi mới múa. Trong tiếng reo hò của những người dự lễ, ông Ka-ing cầm roi ngựa múa theo nhịp trống và tiếng reo “hây à hây” của người dự lễ, ông Ka-ing từ trong khu vực lễ múa ra ngoài và sau một hồi xoay quanh đống lửa hồng trong tiếng hò reo thúc giục của các dân làng vây quanh, ông Ka-ing nhập thần nhảy vào đạp tắt ngọn lửa đang cháy bùng. Người dân tin rằng khi ông Ka-ing dập tắt đống lửa thì năm đó mưa thuận gió hòa, bởi mọi người quan niệm khi đống lửa bị dập tắt là đã tiễn đưa được cái khô hạn, nắng nóng ra đi và đem mưa tới cho dân làng để cày cấy vào vụ. Hình ảnh đôi chân trần nhảy múa, đạp tắt ngọn lửa đang cháy trong điệu múa đạp lửa còn thể hiện sự dũng cảm, ý chí quyết tâm của con người chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và mang ý nghĩa xua tan cái xấu xa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đem tới rất nhiều cảm xúc cho những người dự lễ.

Ông Ka-ing nhập thần nhảy vào đạp tắt ngọn lửa đang cháy

Sang ngày thứ hai là ngày “ra” của lễ Rija Nagar, Lễ vật không thể thiếu là bông điệp, trái lựu. Ngoài ra, còn có một con dê luộc, một mâm cơm lễ, canh gà, rượu, trầu, gạo nổ, xôi cùng hoa quả… cũng gồm những nghi thức khấn vái, như ngày đầu nhưng sau đó có thêm nghi thức Salih - tiễn đưa “hình nhân thế mạng” được nặn bằng bột gạo sống, cùng với hình thú khác (trâu, heo, gà, rắn...). Tất cả đều được đặt trên mâm cao (salao takai). Ông Maduen vỗ trống và hát về Po Ina Nagar, người đã có công trong việc tạo ra trời đất, con người, dạy dân làng dệt vải, trồng trọt, cày cấy... Sau khi nặn hình nhân xong thì ông Ka-ing bắt đầu múa tiễn đưa hình nhân thế mạng, ông Maduen đọc bài kinh tiễn đưa với nội dung hình nhân thay dân làng mang đi những điều xấu, xui xẻo, bệnh tật và lời căn dặn với hình nhân hãy làm theo lời người dân. Hình nhân được thả ở ngã ba đường hoặc là dưới sông nước với niềm tin rằng những điều xui xẻo của năm cũ đã được mang đi và may mắn. ấm no sẽ tới với mọi người trong năm mới.

Múa cổ truyền tại lễ của người Chăm làng Mỹ Nghiệp thị trấn Phước Dân.

Lễ Rija Nagar với sự khác biệt độc đáo đem lại nhiều giá trị văn hóa cộng đồng

Có thể nói lễ Rija Nagar với những nghi lễ khác biệt so với các dân tộc trong khu vực Đông – Nam Á, bao gồm những lễ thức, âm nhạc truyền thống đã tạo thành nghi lễ mang bản sắc riêng của người Chăm, khơi dậy từ tiềm thức tín ngưỡng tâm linh của con người, trong niềm biết ơn sâu sắc đối với đất trời, thần linh đã phù hộ cho mọi người được bình an, no ấm.

Nghi thức dâng hoa trái cho các thần do ông Ka-ing múa và khấn cầu.

Rija Nagar cũng như các lễ Rija khác luôn chứa đựng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian, ẩm thực, trang phục lễ hội và các nét sinh hoạt văn hóa gia đình, cùng với những điệu múa cổ truyền được bảo tồn, lưu truyền, thông qua các nghi lễ tâm linh truyền thống và đã đi vào trong đời sống văn hóa hàng ngày của người Chăm. Ngoài ra, qua lễ Rija Nagar các giá trị cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết xóm làng, đoàn kết giữa các cộng đồng làng và tôn giáo khác nhau… được phát huy. Vì vậy, cần phát huy các giá trị nghi lễ của người Chăm gắn với phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát triển du lịch cộng đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới./.

Tin liên quan

Thư viện huyện hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”(23/04/2024 11:13 SA)

GIẢI BÓNG ĐÁ GIAO HỮU THANH NIÊN LỰC LƯỢNG CÔNG AN VỚI THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ(14/04/2024 2:23 CH)

HUYỆN ĐOÀN NINH PHƯỚC TỔ CHỨC NGÀY ĐOÀN VIÊN NĂM 2024(26/03/2024 10:05 SA)

Khai mạc Hội thi Thể dục thể thao cấp học Mầm non huyện Ninh Phước lần thứ II, năm 2024(20/03/2024 11:06 SA)

NGÀY HỘI "THIẾU NHI VUI KHỎE" HUYỆN NINH PHƯỚC NĂM 2024(20/03/2024 8:41 SA)

Tin mới nhất

Thư viện huyện hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”(23/04/2024 11:13 SA)

GIẢI BÓNG ĐÁ GIAO HỮU THANH NIÊN LỰC LƯỢNG CÔNG AN VỚI THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ(14/04/2024 2:23 CH)

HUYỆN ĐOÀN NINH PHƯỚC TỔ CHỨC NGÀY ĐOÀN VIÊN NĂM 2024(26/03/2024 10:05 SA)

Khai mạc Hội thi Thể dục thể thao cấp học Mầm non huyện Ninh Phước lần thứ II, năm 2024(20/03/2024 11:06 SA)

NGÀY HỘI "THIẾU NHI VUI KHỎE" HUYỆN NINH PHƯỚC NĂM 2024(20/03/2024 8:41 SA)

190 người đang online
°