Việc thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và triển khai Chỉ thị số 40 - CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đã góp phần thay đổi diện mạo tỉnh Ninh Thuận nói chung và đời sống của hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nói riêng, nơi mảnh đất gần cực nam vùng Duyên hải Nam Trung Bộ này.
Đánh thức khát vọng thoát nghèo
Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Thuận chỉ còn 4,21%. Giai đoạn 2021-2023, bình quân mỗi năm, địa phương giảm 1,5%, vượt kế hoạch đề ra.
Thành quả đó là minh chứng sống động cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương nơi đây; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tập trung đầu tư mọi nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò làm công cụ “trụ cột”, để triển khai hiệu quả nhất Chương trình giảm nghèo bền vững, giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống…
Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Ninh Thuận những ngày cuối năm 2024.
Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Minh Lộc, cho biết: Các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm lớn cho công tác giảm nghèo, cũng như thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, ngay từ những năm tháng đầu thực hiện Nghị định 78 và Chỉ thị 40, cho đến nay, các cấp ủy đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến mọi hoạt động của tín dụng chính sách.
Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Ninh Thuận những ngày cuối năm 2024.
Cùng với đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã quan tâm bổ sung nguồn vốn ngân sách cho NHCSXH, để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, điểm giao dịch xã của NHCSXH. Nhờ vậy, các nguồn lực tài chính ở Ninh Thuận có nguồn gốc Nhà nước, đã được quy về một đầu mối là NHCSXH quản lý, sử dụng theo quy định.
Hằng năm, UBND tỉnh và 7 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Ninh Thuận, đều cân đối kịp thời ngân sách địa phương, ủy thác sang NHCSXH, để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đặc thù, vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối năm 2024, nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác là 150 tỷ đồng, tăng thêm 39,1 tỷ đồng so với năm 2023, hoàn thành 195,5% kế hoạch giao, nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Ninh Thuận lên 3.830 tỷ đồng, tăng 312 tỷ đồng so với năm 2023.
Các cán bộ, nhân viên của NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách ở Ninh Thuận luôn lăn lộn, gắn bó với từng thôn, làng và hộ nghèo, để bàn bạc, hướng dẫn bà con vay được vốn dễ dàng, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Mạng lưới 62 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn của NHCSXH, đã phủ kín các địa phương, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ về tín dụng ưu đãi. Cùng với đó là 1.656 Tổ Tiết kiệm và vay vốn; và hệ thống Hội, đoàn thể nhận ủy thác từ tỉnh đến huyện, xã.... cũng đều phát huy hiệu quả.
Đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo
Huyện miền núi Bác Ái là địa phương có nhiều người thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Bà Chamaléa Thị Xoanh, ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung, đã đổi đời nhờ khoản vay tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện Bác Ái. “Trước đây, gia đình tôi nghèo khó, không có vốn làm ăn, chỉ trông chờ vào ít đất trồng cây do cha mẹ để lại, nên cuộc sống rất khổ cực. Từ khi được vay vốn NHCSXH, tôi bắt đầu nuôi 2 con bò sinh sản. Đến nay gia đình tôi đã có 6 con bò, mở rộng được hàng chục sào rau quả, có thu nhập 50-70 triệu đồng/năm, cuộc sống khấm khá rồi”, bà Xoanh tâm sự trong niềm vui thoát cảnh nghèo túng.
Cán bộ tín dụng chính sách thuộc các phòng giao dịch NHCSXH tỉnh Ninh Thuận thường xuyên bám cơ sở, gắn bó với hộ sử dụng vốn đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Pi Năng Thị Xuyến, dân tộc RagLai, ở thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, cũng là một minh chứng cho "phép màu" thoát nghèo. Vốn gia đình chị chỉ có một mảnh đất nhỏ, một con bò gầy gò và một cuộc sống mòn mỏi với những bữa cơm đạm bạc… Tất cả đã thay đổi khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Chị Xuyến chia sẻ: “ Với 30 triệu đồng vay từ NHCSXH, tôi đã mua một con bò giống để phát triển chăn nuôi. Sau vài năm, đàn bò bắt đầu sinh sôi, cuộc sống dần khấm khá hơn”.
Cán bộ tín dụng chính sách thuộc các phòng giao dịch NHCSXH tỉnh Ninh Thuận thường xuyên bám cơ sở, gắn bó với hộ sử dụng vốn đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Khi thấy đàn bò ngày một lớn khỏe, chị lại mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng chăn nuôi; đồng thời đầu tư cải tạo đất, trồng thêm hoa màu... Giờ đây, chị Pi Năng Thị Xuyến đã có một ngôi nhà khang trang, con cái được ăn học đầy đủ.
Cán bộ tín dụng chính sách thuộc các phòng giao dịch NHCSXH tỉnh Ninh Thuận thường xuyên bám cơ sở, gắn bó với hộ sử dụng vốn đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Câu chuyện của bà Xoanh, chị Xuyến là những gương điển hình trong hàng nghìn gương tiêu biểu thoát nghèo nhờ vốn tín dụng ưu đãi nơi miền quê đất cát khô cằn, với sự đồng hành của NHCSXH.
Cán bộ tín dụng chính sách thuộc các phòng giao dịch NHCSXH tỉnh Ninh Thuận thường xuyên bám cơ sở, gắn bó với hộ sử dụng vốn đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã khơi dậy khát vọng thoát nghèo, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng của đồng bào các dân tộc ở nơi cuối dãy Trường Sơn tỉnh Ninh Thuận.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Minh Lộc, kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, nhất là việc cân đối bổ sung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới sẽ đóng góp tích cực hơn nữa vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và thực hiện tốt Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, để mỗi dịp năm mới về, nhìn lại tỷ lệ hộ nghèo của địa phương có thể tự hào và ngẩng cao đầu là giảm bền vững và cuộc sống của người nghèo ngày càng thêm no đủ, tươi sáng.