Vào những thời điểm khó khăn, tại Ninh Thuận cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, người dân lẫn người làm tín dụng chính sách đều mong chờ một chủ trương lớn, một kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội...
Bài 1: Ký ức thoát nghèo ở cuối dãy Trường Sơn
Khát vọng vươn lên trên vùng đất khô cằn
Ninh Thuận, vùng đất “gió như phang, nắng như rang” nằm ở gần cuối dãy Trường Sơn, nơi những cơn gió liên hồi thổi qua từng khe núi, nơi có cái nắng chang chang cháy bỏng khắc nghiệt, như một tấm thảm dày đặc vàng rực lửa phủ lên những ngọn đồi cát quanh năm khô cằn...
Vùng đất này, dù mang trong mình một vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dại, nhưng cũng không thiếu những khó khăn và thử thách. Cái khắc nghiệt của khí hậu, khô cằn sỏi đá là một sự thiệt thòi bất lợi của thiên nhiên đối với sự phát triển của người dân nơi đây. Với người dân ở địa phương giấc mơ về cuộc sống đủ đầy tưởng chừng như xa vời, khó thực hiện. Nhưng với nghị lực kiên cường và niềm tin mãnh liệt không bao giờ nguôi cạn, những người dân Ninh Thuận đã tạo nên một phép màu - một hành trình thoát nghèo đầy gian nan vất vả nhưng tràn đầy khát vọng.
Trong hành trình gian nan ấy, từng đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần thắp lên ngọn lửa hy vọng cứu cánh cho biết bao gia đình, từ cánh đồng, nương rẫy nghèo nàn đến những căn nhà đơn sơ thiếu thốn. Cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở miền quê “nắng như rang, gió như phang” được bắt đầu bằng cái nghèo, cái đói.
Năm 1992, Ninh Thuận được tái lập, vào thời điểm này, tỉnh được mệnh danh là “vùng trũng”, “rốn nghèo”. Khi ấy, tỉnh phải đối diện với vô vàn thách thức như cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, điều kiện địa lý khí hậu lại khô hạn triền miên, bởi vậy cuộc sống người dân rất thiếu thốn, gian khổ...
Ngược tìm hành trình thoát nghèo của bà con, theo chân các cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận, chúng tôi tìm về xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Xuất phát từ trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm di chuyển lên thị trấn Tân Sơn, tiếp tục đi theo con đường nhựa xuyên qua những cánh rừng tuyệt đẹp chúng tôi mới về đến xã Ma Nới. Nằm biệt lập giữa rừng già hoang vu, Ma Nới chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí về cuộc sống của đồng bào dân tộc Raglai. Dưới những tán rừng, câu chuyên thoát nghèo của bà con như phép màu lạ kỳ.
Trong số đó, câu chuyện của gia đình chị Pi Năng Thị Xuyến ở thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, là một minh chứng sống động cho phép màu ấy. Trước đây, gia đình chị chỉ có một mảnh đất nhỏ, một con bò gầy gò và một cuộc sống mòn mỏi với những bữa cơm đạm bạc... Tất cả đã thay đổi, khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Xuyến đã bắt đầu hành trình thay đổi - hành trình thoát nghèo.
Chị Pi Năng Thị Xuyến (ngoài cùng bên trái) ở thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn đã vươn lên thoát nghèo nhờ tín dụng ưu đãi...
Bên bếp lửa bập bùng, mắt chị Xuyến ánh lên niềm vui sướng khi nhắc đến những ngày đầu. “Chỉ với 10 triệu đồng vay từ ngân hàng, tôi mua một con bò giống, rồi nâng niu chăm sóc nó như chăm sóc một thành viên trong gia đình. Sau vài năm, đàn bò bắt đầu sinh sôi nảy nở, cuộc sống dần khấm khá hơn”. Ngày ấy, không chỉ là những con bò mà còn là những hy vọng, những ước mơ đang dần trở thành hiện thực. Khi thấy đàn bò của mình ngày một lớn mạnh, chị lại mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng chăn nuôi. Chị còn cải tạo đất trồng thêm hoa màu, nhờ đó vươn lên thoát nghèo bền vững…
Từ một gia đình nghèo khó, giờ đây chị Pi Năng Thị Xuyến đã có một ngôi nhà khang trang, con cái được ăn học đầy đủ và quan trọng hơn hết, chị có thể nhìn thấy tương lai tươi sáng đang vẫy gọi từ những ước mơ mà chị đã dày công vun đắp. Những con bò, những đàn dê, hay khu vườn xanh tốt đã trở thành biểu tượng của sự đổi thay, của niềm tin và hy vọng... dưới tán rừng già của xã Ma Nới.
Trăn trở với bài toán thoát nghèo
Từ Ninh Sơn, chúng tôi ngược lên với huyện Bác Ái nơi có Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Bẫy đá Pi Năng Tắc. Địa phương là căn cứ cách cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bác Ái có địa hình trắc trở và khí hậu khô hạn, khắc nghiệt bậc nhất cả nước…
Cũng như ở Ninh Sơn, tại Bác Ái chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Câu chuyện của bà KaTơr Thị Lem ở xã Phước Tân - một người phụ nữ đầy nghị lực, đã đổi đời kỳ diệu nhờ vào những khoản vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, không có vốn, chỉ có một ít đất trồng cây do cha mẹ để lại và đương nhiên là không đủ sống. Nhưng từ khi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi bắt đầu nuôi bò, trồng dưa và cải tạo đất rừng... Đến nay, gia đình tôi đã có 9 con bò, hàng trăm sào rau quả, thu nhập ổn định” - bà Lem tâm sự trong niềm vui khó tả.
Bà KaTơr Thị Lem đã trở thành một trong những tấm gương sáng của vùng đất này, cho thấy rằng chỉ cần có đủ nghị lực, có niềm tin và những đồng “vốn mồi” giấc mơ tưởng chừng xa vời cũng sẽ có thể trở thành hiện thực. Để làm được điều đó, bà Lem đã không chỉ dựa vào khả năng của mình, mà còn nhờ vào những chính sách tín dụng ưu đãi, nhờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tận tình của Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương...
Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận, kể từ thời điểm mới thành lập (tháng 4/2003) qua nhiều năm tháng đến nay đã trở thành một người bạn đồng hành của người dân nơi đây. Với những chương trình cho vay ưu đãi, ngân hàng đã mang đến không chỉ tiền bạc mà còn là niềm hy vọng, “chiếc cầu nối” giữa ước mơ và hiện thực. Câu chuyện của chị Xuyến hay bà Lem chỉ là những đốm lửa nhỏ đang ngày đêm âm thầm thổi bừng lên giữa những đồi cát khô cằn, nhưng lại đủ sức thắp sáng cả một khu rừng niềm tin, một khát khao đổi thay ở vùng quê nghèo khó nhất nhì của cả nước…
Ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn, những ngày đầu cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn nhân lực ít ỏi, nhưng với tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của người dân Ninh Thuận trong hành trình thoát nghèo. Nhớ lại những ngày đầu khó khăn ấy, ông Lê Minh Lộc - Giám đốc chi nhánh bồi hồi chia sẻ: “Chúng tôi vừa làm vừa tuyển dụng, vừa phải tập trung cho một khối lượng khách hàng lớn, món vay nhỏ lẻ, nhưng với lòng kiên trì, chúng tôi đã mang đến cho người dân những cơ hội đổi đời”.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn cần vượt qua. Điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, tình hình nắng hạn kéo dài vào mùa khô diễn biến phức tạp. Đời sống, sản xuất của người dân và hộ vay, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay, tình trạng tái nghèo cao... Nhân sự hội Đoàn thể cấp cơ sở thường xuyên có sự thay đổi, có nơi còn thiếu, tiếp cận không kịp thời, một số nơi quan tâm chưa thường xuyên đến nguồn vốn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý nguồn vốn và chất lượng tín dụng...
Đặc biệt, cấp uỷ Đảng ở một số nơi chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Dẫn đến tình trạng chất lượng tín dụng còn thấp, chưa đồng đều, hiệu quả hoạt động của các tổ vay vốn tiết kém còn nhiều hạn chế... Bởi vậy, vào những thời điểm khó khăn này, tại Ninh Thuận cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước cả người dân lẫn người làm tín dụng chính sách đều mong chờ một chủ trương lớn, một kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên xuốt để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện tín dụng chính sách, nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trong cả nước cải thiện đời sống và phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.