THAM LUẬN ĐẠI HỘI
Một số kết quả chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và giải pháp Phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới trên địa bàn huyện
Kính thưa: Đ/c ……………………………………………….
Thưa Đoàn Chủ tịch Đại Hội
Thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu
Thưa Đại hội
Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, do đồng chí Nguyễn Đô – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện thay mặt Đoàn Chủ tịch thông qua. Được sự phân công của Đại hội, thay mặt UBND Huyện tôi xin thông qua tham luận với chủ đề: Một số kết quả chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và giải pháp Phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới trên địa bàn huyện.
Kính thưa Đại hội
Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ngành Tỉnh cùng sự lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ nên kinh tế - xã hội huyện đã đạt kết quả tương đối toàn diện và tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao, chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao chuyển biến rõ nét; các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Trong bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng sáng hơn, rõ nét và sắc màu đa dạng hơn đó, điểm sáng nổi bật và ấn tượng nhất chính là năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Nếu như những cánh đồng ngút ngàn điện mặt trời và điện gió tạo ra cú "huých" mạnh tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng và thu ngân sách, thì nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã từng bước nâng tầm vị thế của ngành nông nghiệp và thương hiệu nông sản huyện. Do thời gian có hạn, tham luận này chỉ đề cập về nông nghiệp theo hướng công nghệ cao thời gian qua và nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới.
Kính thưa Đại hội
Được xác định là Huyện trọng điểm nông nghiệp của Tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, 5 năm qua, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của Huyện đã có những bước tiến dài, cả về quyết tâm chính trị, tư duy chỉ đạo, lẫn sự đồng thuận xã hội và tham gia tích cực của Nhân dân. Nếu như năm 2015, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao còn ít và chủ yếu đang trong giai đoạn mô hình và thử nghiệm, quy mô còn nhỏ hoặc chưa được nhân rộng, giá trị sản xuất có tăng nhưng không nhiều, thì hiện nay đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế gắn với chế biến, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Đó là vùng sản xuất bắp giống, lúa giống, rau an toàn, nho, táo, măng tây xanh gắn với ứng dụng khoa học- công nghệ và phương thức canh tác tiến tiến như: "1 phải 5 giảm", tiêu chuẩn VietGAP, cánh đồng lớn, che lưới chống ruồi vàng trên cây táo, đặc biệt là tưới nước tiết kiệm. Từ 3.900 ha (năm 2015), đến nay diện tích gieo trồng hàng năm theo hướng công nghệ cao đã tăng lên 6.670 ha, chiếm gần 30% tổng diện tích gieo trồng, tăng 71% so với năm 2015; giá trị sản xuất đạt 234 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 20% so với bình quân chung ngành nông nghiệp năm 2020. Cụ thể: “1 phải 5 giảm” trên cây lúa gieo trồng hàng năm hơn 4.000 ha tại các xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu, Phước Thuận và thị trấn Phước Dân, tăng hơn 500 ha so với năm 2015, lợi nhuận cao hơn 7-9 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác lúa truyền thống. Tưới nước tiết kiệm 500 ha tại An Hải, Phước Hải, Phước Thái, Phước Thuận– chuyển dần từ tưới phun mưa tầm cao sang tưới phun mưa tầm thấp và tưới nhỏ giọt, tăng 150 ha so với 2015, lợi nhuận tăng thêm từ 15-30 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 71,5 ha măng tây xanh, đậu phộng và các loại rau, tăng 40 ha so với năm 2015, lợi nhuận cao gấp 1,3 lần so với sản xuất truyền thống. Cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm từ 56 ha lúa/1 cánh đồng (năm 2017) đến nay đã có 11 cánh đồng lúa/1.979 ha, 01 cánh đồng bắp giống 80 ha, 02 cánh đồng Măng tây xanh 35 ha; lợi nhuận hàng năm cao hơn so với sản xuất truyền thống (lúa 09 triệu đồng/ha, bắp giống 26 triệu đồng/ha, măng tây xanh 1,1 tỷ đồng/ha). Che lưới chống ruồi vàng trên cây táo áp dụng từ năm 2018, đến nay có 117 ha, lợi nhuận cao hơn 100 triệu/ha/năm so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt doanh nghiệp Tiên Tiến đầu tư trên 20 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo tại xã An Hải như một hình mẫu về nông nghiệp công nghệ cao. Nuôi heo tập trung 5 trang trại quy mô từ 600 – 2.000 con/trại và trang trại gà đẻ trứng, năng suất 100.000 trứng/ngày, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đồng bộ. Bên cạnh đó, một số sản phẩm đặc thù và thương hiệu nông sản của huyện từng bước được người tiêu dùng tin tưởng và có chỗ đứng trên thị trường như: Vang nho, táo sấy, nho sấy, mật nho Ba Mọi, vang nho Thiên Thảo, trà măng tây xanh Linh Đan, măng tây xanh HTX Tuấn Tú (An Hải) và HTX Châu Rế (Phước Hải), táo sấy xã Phước Hậu, thịt dê, cừu sơ chế Triệu Tín.
Kính thưa Đại hội
Những kết quả của nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nêu trên không những một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống Nhân dân, mà còn tạo tiền đề vật chất quan trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới. Có được kết quả đó, trước hết chính là do Nghị quyết của Đảng bộ Tỉnh, Huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, gắn kết giữa ý Đảng với lòng dân. Đó còn là sự nỗ lực vươn lên và sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học – công nghệ gắn với hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau" của Nhân dân và cán bộ trong huyện.
Kính thưa Đại hội
Thời gian gian tới, dự báo biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường; đồng thời phải hướng tới một nền nông nghiệp xanh và thực phẩm sạch cũng như nâng tầm và mở rộng thị trường nông sản Việt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đòi hỏi khách quan và cần thiết, cũng như phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh và định hướng của Huyện nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: "...Nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo là động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, và bền vững…".
Mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới, trước hết là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, mà trọng tâm là ứng dụng khoa học - công nghệ gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích gieo trồng hàng năm ứng dụng công nghệ cao tăng 30% trở lên so với diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao hiện nay; giá trị sản xuất hàng năm bình quân trên 300 triệu đồng/ha, cao hơn 50 triệu đồng so với bình quân chung ngành nông nghiệp.
+ Về trồng trọt: Chú trọng tăng tỷ trọng cây ăn quả, giảm tỷ trọng cây lương thực tại xã Phước Thái, Phước Hữu, Phước Vinh. Hình thành vùng chuyên canh măng tây xanh và rau an toàn sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã An Hải, Phước Hải; vùng chuyên canh cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái tại xã Phước Thuận, An Hải; một số vùng sản xuất công nghệ cao gắn với năng lượng tái tạo xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Vinh. Tiếp tục duy trì và nhân rộng cánh đồng lớn lúa, bắp giống, măng tây xanh trên 3000 ha, "1 phải 5 giảm" trên 6000 ha gieo trồng, tưới nước tiết kiệm 750 ha, VietGAP 150 ha, táo bao lưới 150 ha. Thực hiện chuyển đổi 400 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như nho, táo, măng tây xanh.
+ Về chăn nuôi: Theo hướng an toàn, hiệu quả, giá trị cao và có lợi thế như dê, cừu, bò. Đẩy mạnh chăn nuôi trang trại tập trung và gia trại gắn với liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị khép kín.
Kính thưa Đại hội:
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới theo mục tiêu và định hướng nêu trên, ngoài các nhiệm vụ và giải pháp trong dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội, UBND huyện đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây:
1. Thực hiện các chính sách khuyến nông cho các tổ chức, cá nhân phù hợp với thực tế. Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực sau thu hoạch gắn với chế biến các sản phẩm đặc thù của Huyện.
2. Lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị loại IV thị trấn Phước Dân.
3. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học – công nghệ thông qua các chương trình, dự án khuyến nông, giúp nông dân thay đổi kỹ năng tổ chức sản xuất, hình thành tư duy liên kết thị trường, năng lực tiếp nhận và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất.
4. Từng bước áp dụng công nghệ giảm chi phí hậu cần (logistics), nâng giá trị nông sản. Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành Tỉnh xúc tiến đăng ký thương hiệu, dán mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc thù theo từng vùng (OCOP). Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm, lập các gian hàng bày bán sản phẩm trên không gian mạng. Tranh thủ Chương trình liên kết của Tỉnh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong nước để mở rộng thị trường.
5. Đẩy mạnh liên kết "4 nhà", xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, đảm bảo tính bền vững. Mở rộng cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hoá, áp dụng khoa học công nghệ cũng như tạo ra sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao.
6. Xác định vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu gắn với Quy hoạch sử dụng đất Huyện thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Cuối cùng, kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Đình Thường