Hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản ở thôn Tà Dương- xã Phước Thái
Về thôn Tà Dương vào những ngày trung tuần tháng 12/2024, chúng tôi được anh Jaghe Hoàng Thọ, Người có uy tín - Trưởng Ban quản lý thôn đưa đi thăm hỏi chuyện làm ăn của bà con trong thôn. Vừa bước qua tuổi ba mươi được rèn luyện trong môi trường quân đội, anh Hoàng Thọ là Người có uy tín và là trưởng thôn trẻ nhất huyện. Trao đổi tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào Raglay tại địa phương, anh Hoàng Thọ cho biết đường giao thông nội thôn được bê tông xi măng khang trang do Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng, người dân góp công và hiến đất làm đường đi chung. Hệ thống chiếu sáng đường quê do bà con chung tay đóng góp lắp đặt 22 bóng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng khu dân cư bảo đảm điều kiện đi lại cho người dân vào ban đêm, giảm thiểu tình hình mất an ninh trật tự. Thôn Tà Dương thuộc thôn đặc biệt khó khăn của huyện, toàn thôn hiện có 153 hộ với 669 khẩu đồng bào dân tộc Raglay sinh sống.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đời sống của người dân nơi đây dựa vào nguồn thu nhập từ 61 ha ruộng lúa chủ động tưới thuộc hệ thống kênh Nam, canh tác 100 ha đất nương rẫy ăn nước trời và chăn nuôi 450 con bò, 100 con cừu chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên kết hợp trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc.
Ông Lưu Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phước Thái cho biết, đồng bào Raglay thôn Tà Dương được hỗ trợ thực hiện Dự án 3 của Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 về giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tháng 6/2023, thôn Tà Dương có 21 hộ thuộc diện nghèo được Nhà nước hỗ trợ 344 triệu đồng mua bò cái giống nuôi sinh sản và nông dân đóng góp 52,5 triệu đồng làm chuồng trại. Theo đó, mỗi hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ gần 16,4 triệu đồng mua một con bò cái giống và gia đình đóng góp 2,5 triệu đồng mua tấm lợp làm chuồng. Thôn Tà Dương có 38 hộ nghèo được hỗ trợ 380 triệu đồng chuyển đổi nghề theo Dự án, tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và địa bàn sinh sống. Bà con thống nhất mua mỗi gia đình một con bò cái giống liên kết các hộ gia đình là bà con thân tộc làm chuồng nuôi chung và phân công lao động thay phiên chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên quanh làng. Các gia đình chuyển ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ cung cấp thức ăn xanh bổ sung cho đàn gia súc. Bà con đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, nâng cao chuỗi giá trị bò, góp phần giảm nghèo bền vững khu dân cư đồng bào Raglay. Mô hình nuôi bò sinh sản bước đầu phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo tâm lý phấn khởi bà con chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng bán thâm canh.
Bên cạnh đó các hộ được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi dưỡng gia súc có sừng, biện pháp phòng chống bệnh và kỹ năng chăm sóc bê con. Đặc biệt được sự trợ giúp của anh Vạn Ngọc Lễ, cán bộ thú y xã Phước Thái luôn đồng hành hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Khi đàn bò có dấu hiệu bệnh tật, bà con báo cho Trưởng thôn, sau đó Trưởng thôn báo lại cho cán bộ thú y xã kịp thời có mặt hướng dẫn người chăn nuôi biện pháp can thiệp trên gia súc bị bệnh. Nhờ đó đàn bò đến nay bảo đảm sinh trưởng tốt, nhiều con chuẩn bị sinh lứa bê con đầu tiên sau hơn một năm chăn nuôi.
Chị Katơr Thị Be cho biết, vợ chồng chị đông con, làm ăn không dành dụm vốn liếng. Nay được Nhà nước hỗ trợ 16,4 triệu đồng mua một con bò cái lớn, gia đình tôi mừng lắm. Ban ngày các cháu đưa bò ra thả trên đồng cỏ tự nhiên, tối về nhà tôi cắt thêm cỏ cho nó ăn cho thêm mau lớn, khỏe mạnh. Con bò cái lai sind có chửa sáu tháng rồi, tôi cố gắng chăm sóc cho nó sinh sản ra bê con vào cuối năm nay. Nhờ Nhà nước giúp vốn cho gia đình tôi phát triển chăn nuôi gia súc có sừng, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đứng trước những chuồng bò vang tiếng bê kêu mẹ của các gia đình trong thôn Tà Dương lúc chiều muộn, niềm vui của chúng tôi nhân lên gấp bội bởi vì nguồn vốn do Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Bà con trong thôn đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, nâng cao tinh thần trách nhiệm giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Jaghe Hoàng Thọ, Người có uy tín - Trưởng Ban quản lý thôn mong muốn các ngành, các cấp quan tâm để bà con trong thôn Tà Dương tiếp tục nhận được giúp đỡ từ các chương trình Mục tiêu quốc gia, giúp bà con phát triển cây trồng có gía trị kinh tế cao, chăn nuôi gia súc có sừng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi./.
Văn Hải