Tập trung các nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Thời gian qua, cùng với nguồn vốn của trung ương phân bổ hàng năm theo xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm và giai đoạn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ninh Phước tập trung triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực tài chính; đồng thời, tham mưu Ban đại diên Hội đồng quản trị NHCSXH huyện báo cáo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện cân đối một phần ngân sách ủy thác sang ngân hàng theo chỉ tiêu Ban đại diện tỉnh giao.

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ninh Phước đến thăm hỏi tình hình sản xuất của hộ vay tại xã Phước Thuận

 

Nhằm huy động nguồn lực tài chính đạt kết quả cao, Phòng giao dịch NHCSXH huyện luôn bám sát mục tiêu, định hướng chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện và áp dụng linh hoạt cơ chế, chính sách về huy động vốn theo quy định của Nhà nước để triển khai thực hiện. Hằng năm, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội ủy thác huyện tổ chức phát động “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, phòng giao dịch còn tập trung vận động các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, phối hợp tổ chức hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tích cực tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư để giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước. Tổ chị Hoa đang quản lý với tổng dư nợ là 2.443 triệu đồng với 50 tổ viên thông qua 7 chương trình tín dụng, 100% tổ viên đều tham gia gửi tiền tiết kiệm đều hàng tháng, với số dư tiền gửi là 183 triệu đồng. Nhờ gửi tiết kiệm, giúp hộ vay cân đối hợp lý chi tiêu, hạn chế phát sinh rủi ro tín dụng và từng bước hình thành thói quen tích lũy cho gia đình. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND huyện đã dành một phần ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để ủy thác cho ngân hàng, bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hằng năm huyện luôn quan tâm bố trí ngân sách ủy thác sang ngân hàng, với số tiền hiện đạt 4,8 tỷ đồng. Từ nguồn bổ sung, giúp các chương trình cho vay tại địa phương được thực hiện liên tục, vốn tín dụng phủ kín đến tất cả các thôn trên địa bàn và tập trung vào vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ninh Thuận, đến cuối tháng 11 năm 2024, tổng dư nợ đạt trên 826 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với năm 2023; trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương 803 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 18,2 tỷ đồng nhận ủy thác của địa phương 4,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát, họp bình xét cho vay công khai, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Phước, cho biết: Để góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch của Huyện ủy và UBND huyện đề ra đến năm 2025, vốn ủy thác ngân sách địa phương đạt từ 1-1,5% so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn huyện, đơn vị tiếp tục tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị báo cáo, trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện quan tâm, cân đối vốn ủy thác sang ngân hàng theo chỉ tiêu giao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng tiền nhàn rỗi, huy động quỹ ngoài ngân sách của các sở, ngành tham gia gửi vào ngân hàng, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Quốc Bảo