Ninh Phước quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động (LĐ) nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Ninh Phước luôn đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người LĐ, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Để giúp người LĐ tìm kiếm được việc làm phù hợp, huyện Ninh Phước đã đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Hằng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, khảo sát về nhu cầu học nghề để liên kết mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường; nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để thông tin cung cấp cho người LĐ. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn cung cấp thông tin thị trường LĐ, kết nối cung cầu, hỗ trợ tạo việc làm cho người LĐ. Nhờ đó, sau khi học nghề, nhiều LĐ nông thôn đã tìm được việc làm phù hợp tại một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 14 lớp đào tạo nghề cho 551 LĐ; giải quyết việc làm cho hơn 1.937 LĐ. Trong đó, có 779 LĐ làm việc trong tỉnh, 1.131 LĐ làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh; đưa 45 người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại nước ngoài.
Cùng với đẩy mạnh dạy nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho người LĐ, công tác giải quyết việc làm được huyện quan tâm chú trọng. Huyện đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm, tiếp nhận người LĐ sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Ngoài ra, để hỗ trợ người LĐ có nguồn vốn mở rộng sản xuất, huyện tạo điều kiện cho LĐ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này cùng với kiến thức được học, nhiều LĐ đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Chị Nguyễn Thị Liên, khu phố 10, thị trấn Phước Dân chia sẻ: Năm 2021, tôi tham gia lớp học nghề chăn nuôi. Từ vốn kiến thức được học, tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chuồng trại, mua 20 con dê, cừu về nuôi sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật đàn dê, cừu phát triển và sinh sản tốt. Đến nay gia đình đã phát triển trên 70 con cừu; mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định trên 60 triệu đồng từ chăn nuôi.
Nhờ xuất khẩu lao động, gia đình ông Hồ Văn Hùng (bên trái), thôn Nhuận Đức, xã Phước Hữu xây căn nhà mới khang trang.
Một trong những hướng đi được coi là thiết thực và phù hợp của huyện đó là đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giải quyết việc làm cho LĐ, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau khi nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp nước ngoài, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ; phối hợp với các đơn vị tuyển dụng tổ chức các hội nghị giới thiệu, tư vấn XKLĐ tại các xã, thị trấn cho người dân. Thông qua các buổi tư vấn, người LĐ được tìm hiểu công việc, môi trường làm việc, thu nhập, các thủ tục liên quan về XKLĐ, thủ tục vay vốn... khi đi làm việc tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Qua đó, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và trở thành hộ khá.
Trước đây, gia đình ông Hồ Văn Hùng, thôn Nhuận Đức, xã Phước Hữu thuộc diện hộ nghèo. Dù được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất nhưng kinh tế gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, thông qua hội nghị giới thiệu, tư vấn XKLĐ, gia đình ông đã cho con trai Hồ Văn Dũng đi làm việc tại Nhật Bản. Sau 3 năm làm việc tại nước ngoài, anh Dũng đã gửi 700 triệu đồng cho gia đình xây dựng ngôi nhà mới khang trang và trả hết nợ cho ngân hàng. Ông Hùng cho biết: Nếu như con tôi không đi XKLĐ thì không biết khi nào gia đình mới có cuộc sống như hôm nay. Nhờ XKLĐ gia đình mới có tiền xây nhà, trả nợ ngân hàng và đầu tư có phát triển sản xuất, có kinh tế ổn định hơn. Hiện nay, con trai tôi vẫn đang làm việc tại Nhật Bản. Hay như gia đình ông Trần Văn Lộc, thôn Nhuận Đức, có hai người con đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản, mặc dù mới sang làm việc được gần một năm, nhưng nhờ chăm chỉ chịu khó, mỗi tháng hai người con của ông gửi về cho gia đình 30 triệu đồng. Ông Lộc cho biết: Khi nghe địa phương tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ cho người đi XKLĐ tại nước ngoài như được đào tạo nghề, học tiếng Nhật, vốn vay ưu đãi, con trai tôi đã đăng ký đi LĐ tại Nhật Bản. Nhờ nguồn thu nhập từ XKLĐ gia đình tôi mới xây cất căn nhà mới khang trang, có vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Việc đẩy mạnh công tác LĐ, việc làm ở huyện Ninh Phước trong thời gian qua, không chỉ giúp người LĐ có việc làm ổn định, thu nhập cao mà còn tạo điều kiện để người LĐ trang bị tay nghề, thay đổi nhận thức trong tìm kiếm việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoặc phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Đây là giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ông Nguyễn An Hòa, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước cho biết: Thực tế cho thấy, chính sách LĐ, việc làm trên địa bàn huyện đang được triển khai là “đòn bẩy” quan trọng để địa phương giảm nghèo bền vững, người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá, đời sống từng bước được cải thiện. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ cho các tầng lớp nhân dân. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức giới thiệu, tư vấn việc làm và XKLĐ trên địa bàn huyện. Tập trung thu hút được đầu tư, liên kết, giải quyết việc làm cho LĐ qua đào tạo và người dân địa phương. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay để người LĐ đầu tư phát triển sản xuất, đi XKLĐ, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Nhã Uyên