Ngành Giáo dục – Đào tạo Ninh Phước quyết tâm khắc phục khó khăn sẵn sàng cho năm học mới 2024-2025
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Phước đang quyết tâm khắc phục khó khăn để triển khai một năm học mới hiệu quả, chất lượng. Để năm học mới 2024-2025 diễn ra thuận lợi, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, ngành GD&ĐT huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm khắc phục khó khăn sẵn sàng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm học 2023-2024, năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT huyện Ninh Phước cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT; nhiều cơ sở giáo dục thiếu phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng học bộ môn. Tỉ lệ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn còn cao. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học, đặc biệt là chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số còn chênh lệch với học sinh vùng thuận lợi. Số lượng học sinh bỏ học có xu hướng giảm nhưng tại một số địa bàn tỉ lệ bỏ học còn cao...
Theo thông tin của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD$ĐT) năm học 2024-2025, toàn huyện có 50 cơ sở giáo dục với tổng số học sinh cả 03 cấp học: 25,116 HS/ 736 lớp. (Tăng 77 HS, giảm 42 lớp so với năm học trước do dồn sĩ số HS theo quy định Thông tư 20 của Bộ GD về tính định mức HS theo vùng) Số học sinh dân tộc cả 03 cấp học: 11.607 chiếm tỷ lệ hơn 46%. Cụ thể:
Cấp học mầm non, toàn huyện có 10 trường mầm non, trong đó có 30 điểm trường lẻ với 85 lớp/2.805 trẻ, giảm 04 lớp và 108 trẻ. Cấp học Tiểu học, có 29 trường tiểu học với 429 lớp/ 12.989 học sinh, trong đó có 5 lớp/143 HS tiểu học của Trường liên cấp TH-THCS Phước Vinh. Cấp học Trung học cơ sở, có 11 trường với 222 lớp/9.322 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên toàn huyện có 1.517 người (trong đó có 40 GV, Tổng phụ trách đội và 17 GV dạy tiếng Chăm ở tiểu học).
Trong năm học này, dự kiến 100% số trường Tiểu học, mầm non công lập trên địa bàn huyện đều tổ chức cho các cháu học 2 buổi/ngày. Trong năm học vừa qua huyện đã đầu tư 84,382 tỷ đồng xây dựng 98 phòng học, phòng vi tính, phòng học ngoại ngữ, trong đó có 71 phòng học. Ngoài ra còn chi hơn 4,319 tỷ đồng để sửa chữa phòng học, nhà vệ sinh tường rào cho 5 trường học.
Mặc dù biên chế cán bộ quản lí, giáo viên được giao cho ngành giáo dục hiện nay còn thiếu so với định mức quy định, (CBQL còn thiếu theo quy định là 45 người; Giáo viên còn thiếu so với định mức GV trên từng bậc học hiện nay là 50 GV, nhân viên là 142 người) nhất là giáo viên Mầm non, GV dạy Tin học và ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Cơ sở vật chất trường lớp tuy được tập trung đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, tổ chức các hoạt động thực hành thí nghiệm cũng như các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu đổi mới, trang thiết bị ở các trường chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Theo nhà giáo Lê Thị Mỹ Liên – Trưởng phòng GD&ĐT huyện. để khắc phục khó khăn, trước khai giảng năm học mới, các đơn vị, trường học trong toàn ngành, đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về ngày toàn dân đưa trẻ đến trường; đến từng nhà học sinh bỏ học để vận động các em trở lại trường; phối hợp tìm giải pháp miễn giảm, hỗ trợ học phí, BHYT, BHTT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ học sinh nghèo, quyết tâm không để học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Song song với đó, ngành sẽ tham mưu cho các cấp để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường học. đồng thời cùng các địa phương tranh thủ, huy động các nguồn lực xã hội hóa, sự đóng góp tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Với quyết tâm cao của ngành GD&ĐT, tin tưởng rằng năm học mới 2024-2025 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” và “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng” sẽ tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.