Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh đối với Đình làng Bình Quý thị trấn Phước Dân.

Hòa trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nướ Công hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024) sáng ngày 23/8 tại Đình làng Bình Quý (Thị trấn Phước Dân), UBND huyện Ninh Phước phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh đối với Đình làng Bình Quý.

Đồng chí Ngô Khánh Chủ tịch UBND huyện trao Bằng cho lãnh đạo UBND thị trấn và Ban quản lý đình Bình Quý.

Về dự có đồng chí Ngô Khánh, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo phòng Văn hóa Gia đình, Bảo tàng tỉnh thuộc sở VHTT và DL tỉnh. Lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể thuộc huyện, thị trấn cùng đông đảo bà con các khu phố thuộc khu vực Bình Quý.

Lễ đón có sự hiện diện của đông đủ đại biểu tỉnh, huyện, thị trấn và bà con các khu phố khu vực đình làng Bình Quý.

Đình làng Bình Quý được xây dựng vào năm 1908, để thờ Thần Thành Hoàng Bổn cảnh. Ban  đầu, đình được dựng đơn giản với vách bằng vữa vôi, mật mía, đá ong, ghè ống và mái lợp ngói âm dương. Đến năm 1921, dưới thời vua Khải Định thứ 6, đình Bình Quý được di dời về vị trí hiện nay và đến năm 1927, đình được xây dựng lại với quy mô lớn hơn và được bảo tồn cho đến ngày nay.

Đồng chí Ngô Khánh, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước phát biểu tại buổi lễ.

Tọa lạc trên một khu đất có diện tích 2.250 m2 Đình làng Bình Quý được xây dựng thành một khối tổng thể với lối kiến trúc mang dáng dấp của đình làng người Việt xưa gồm: Cổng Tam quan, Cột cờ, Án phong, sân Đình, Chánh điện, nhà Tiền hiền, nhà Hậu bối, nhà Thanh minh, các Miếu thờ... Trong đó cột cờ gỗ cao 6 mét, tòa Chánh điện và nhà Tiền hiền với bộ khung sườn bằng gỗ được kết nối bằng hệ thống mộng tinh xảo, hầu như còn được bảo tồn nguyên vẹn,

Đình làng Bình Quý nhìn từ bên ngoài.

Bên ngoài và bên trong đình được trang trí tinh tế với nhiều đề tài phong phú, thể hiện sự tài hoa và khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề và nghệ nhân điêu khắc xưa. Mái Chánh điện lợp ngói âm dương, ngoài phù điêu hình chuột hóa dơi đang ở thế muốn bay và hình con phượng đang múa, thì ở các đầu đao, nóc đình hầu như được trang trí phù điêu rồng và những cặp rồng “chầu nguyệt, tranh châu, chầu nhật”. Trong đình hệ thống cột kèo được chạm khắc tinh xảo, kết nối vững chắc. Những bức hoành phi, câu đối liễn thờ bằng chữ Hán chạm khảm xà cừ trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên giá trị thẩm mỹ độc đáo, ý nghĩa sâu sắc và hầu như được bảo tồn nguyên vẹn…

Đồng chí Nguyễn Thị Yến Thu – Trưởng phòng VHTT huyện đã thông qua Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về việc xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh đối với đình Bình Quý.

Đình Bình Quý hiện nay vẫn còn lưu giữ các sắc phong của các  vua triều Nguyễn: vua Duy Tân năm thứ 5 (1911), vua Khải Định năm thứ 9 (1923); vua Bảo Đại năm 1937 và năm 1938. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đình Bình Quý là một trong những nơi đặt cơ sở hành chánh chính quyền cách mạng lâm thời, là nơi để tiếp tế lương thực cho cách mạng và cũng là nơi nuôi dấu nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng, góp phần trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Các cụ già dẫn đầu đoàn rước Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh đối với Đình làng Bình Quý, từ cổng làng về đình Bình Quý.

Sau phần chào mừng của đội lân, các tiết mục văn nghệ của CLB đờn ca tài tử, CLB Liên thế hệ Bình Quý; biểu diễn võ nhạc của CLB Việt võ đạo, đồng chí Nguyễn Thị Yến Thu – Trưởng phòng VHTT huyện đã thông qua Quyết định Số: 816/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2024, của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về việc xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh đối với đình Bình Quý, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Ngay từ sáng sớm, đã có rất đông người dân cầm cờ chờ đón rước Bằng về đình.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Ngô Khánh Chủ tịch UBND huyện đã chúc mừng nhân dân các khu phố thuộc Bình Quý và coi buổi lễ hôm nay là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc son mới trong công tác bảo tồn di sản văn hóa địa phương. Đây là tiền đề để di tích Đình Bình Quý được quan tâm đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của địa phương…. Đồng chí đề nghị Đảng ủy, chính quyền thị trấn Phước Dân, các ngành chức năng có liên quan và Nhân dân Khu phố 8,9,10 và 15 cần tiếp tục quan tâm, giữ gìn và phát huy giá trị di tích Đình Bình Quý; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích cho thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống tại di tích, góp phần bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân ở địa phương; đồng thời, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích vào mục đích khác phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

         Một số hình ảnh về buổi lễ.