Làng Chăm Bàni Ninh Phước rộn ràng Lễ hội Ramưwan - 2024

Những ngày này, cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Bàni và Hồi giáo Islam ở Ninh Thuận đang tất bật chuẩn bị vui đón Lễ hội Ramuwan truyền thống của dân tộc. Cũng giống như Lễ hội Ka Tê của người Chăm theo đạo BàlaMôn, Lễ Ramưwan cũng là dịp để con cháu thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, người nông dân cầu mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.

Đặc sắc Lễ Ramưwan có thể ví như là tết Nguyên đán cổ truyền

Đến các làng Chăm ở các thôn Tuấn Tú (Xã An Hải), Thành Tín (Xã Phước Hải), Phú Nhuận (Xã Phước Thuận) huyện Ninh Phước những ngày đầu tháng 3/2024, mọi người đều cảm nhận được sức sống của vùng nông thôn mới đang chuyển mình. Rõ nhất là các công trình giao thông, cổng làng, chợ làng, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng khang trang. Trong những ngày này không khí Ramưwan đã nhộn nhịp khắp các làng Chăm theo Hồi giáo Bàni. Khắp đường làng ngõ xóm trang trí rực rỡ cờ hoa. Trong chợ, bên lề các con đường chính, quần áo, giày dép, vật dụng gia đình, các loại hoa trái được đưa về địa phương phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi người vào dịp lễ. Trong từng gia đình, nhộn nhịp trang hoàng nhà cửa, gói bánh, ép cốm, làm cỗ để chuẩn bị phục vụ lễ Ramưwan truyền thống.

Các gia đình rộn ràng làm các loại bánh truyền thống.

Lễ Ramưwan của người Chăm diễn ra vào đầu tháng 9 lịch Hồi và kéo dài một tháng. Trước khi bước vào tháng chay của các chức sắc ở Thánh đường, người ta dành 3 ngày để thực hiện lễ tảo mộ và cúng gia tiên. Những ngày này như ngày tết để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Lễ Ramưwan (hay còn gọi là Ramadan, hay tháng Chay - niệm) có thể ví như là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni, nên lễ Ramưwan còn được gọi là “Lễ Hội” hay “Tết” Ramưwan. Lễ có 3 phần chính gồm; Lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại chùa Hồi giáo Bàni. Trong đó, lễ tảo mộ là phần khởi đầu, cũng là phần quan trọng nhất của lễ hội Ramưwan.

Độc đáo lễ tảo mộ và cúng gia tiên

Lễ tảo mộ được người Chăm theo Hồi giáo Bàni thực hiện rất trang trọng tại các Ghur (nghĩa trang). Đầu tiên là viếng Nao Ghur Garay Naih (Nghĩa trang xa làng) rồi mới viếng Nao Ghur Palei Drei (Nghĩa trang trong làng). Ngày tảo mộ các gia đình tín đồ Chăm mặc trang phục truyền thống mang theo lễ vật đi đến các Ghur. Đồ cúng được bày biện khá đơn giản gồm: Trầu cau, thuốc, nước uống và bánh kẹo… sau đó mọi người thành kính ngồi vòng tròn quanh mộ theo từng dòng tộc. Thầy Char là người chủ lễ cúng, cầu kinh Coran bằng tiếng Ả Rập, các vị phụ tế vẩy nước thánh lên từng viên đá (bia mộ) với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó đọc kinh, cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn Tết...

Từ sáng sớm các gia đình mặc trang phục truyền thống mang lễ vật tới cúng viếng tại nghĩa trang của làng.

Sau khi đọc kinh cầu nguyện cùng với mọi người, Po Acar dùng 2 ngón tay làm dấu ấn thánh lên trên các bia mộ để rước ông bà tổ tiên về. Trước khi hoàn tất phần kinh, Po Acar lấy trầu cau têm sẵn nhét xuống từng ngôi mộ, niệm kinh rước linh hồn ông bà tổ tiên sẽ về nhà trong mùa Ramưwan và phù hộ cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt… những người dự lễ sẽ kính cẩn chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần.

Phần nghi lễ tại nghĩa trang của các dòng họ.

Lễ tảo mộ tại Ghur cũng là dịp mọi người đi xa về gặp anh chị em, bạn bè để hàn huyên hỏi thăm chúc sức khoẻ nhau. Lễ tảo mộ hiện nay cũng thu hút nhiều du khách tới tham dự, bởi đây là một sự kiện độc đáo của người Chăm theo đạo Bàni, Islam nói riêng, nổi bật trong văn hoá Chăm tại Ninh Thuận nói chung,

Sau Lễ tảo mộ các gia đình về nhà cúng gia tiên theo phong tục truyền thống và mở tiệc khoản đãi bạn bè khách thân mật. Mỗi nhà sẽ chuẩn bị đồ lễ, con cháu sum họp đông đủ để dâng cúng mời ông bà tổ tiên về chung vui cùng gia đình. Nhiều làng tổ chức mở hội múa hát tập thể tại sân vận động với sự tham gia của vài trăm người với đủ mọi lứa tuổi...

Lễ tảo mộ là dịp mọi người đi xa về gặp nhau và cũng là nơi thu hút nhiều du khách tới tham dự,

Các chức sắc Hồi giáo Bàni chay tịnh tại chùa

Chiều tối ngày 1-9 (Hồi lịch), các vị chức sắc Bà ni vào chùa và các Ban Hakem vào thánh đường thực hiện nghi lễ tháng tịnh chay. Hội đồng sư cả của làng Bàni thường có 13 người, theo thứ tự gồm 1 người chức sắc Sư cả, 6 người Muncụ, 1 người Muntân, 1 ông Tiếp, 2 ông Tình và 2 ông Chang. Hồi đồng sư cả Hồi giáo Bàni cũng là những người bước vào chay tịnh trong Tết Ramuwan (không ăn uống từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều) kéo dài trong 5 ngày tại chùa Bàni.

Trong tháng Ramưwan, các vị chức sắc Bà ni và mọi người sinh hoạt tại chùa, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn (trừ phụ nữ có thai, trẻ em, người già bệnh đau). Mọi người quan niệm thực hiện tháng tịnh chay là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch, chế ngự những ham muốn tầm thường; hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ, đoàn kết cộng đồng, dân tộc.

Bà con mang sính lễ đến Thánh đường cúng kính, chuẩn bị cho tháng chay tịnh Ramưwan. (Ảnh ST)

Riêng cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam sẽ thực hiện nghi thức chay tịnh tại thánh đường, thường kéo dài 1 tháng. Theo quan niệm, thời gian này là để gột rửa thể xác, cho tinh thần được trong sạch. Đối với đời sống tinh thần của người đồng bào Chăm Bàni thì việc chay tịnh có ý nghĩa rất to lớn về mặt tôn giáo và tín ngưỡng, là đức tin hướng họ đến những điều tốt đẹp.

Kết thúc tháng chay, vào sáng ngày 01 tháng 10 lịch Hồi sẽ diễn ra lễ thức Talaih cũng là lễ kết thúc mùa Ramưwan nhằm cảm tạ Po Auluah cùng các thần đã phù hộ cho người Chăm Hồi giáo Bàni hoàn thành lễ Ramưwan tốt đẹp.

Cơ hội quảng bá nét đẹp văn hóa Chăm của cộng đồng Chăm Bàni.

Đang tất bật chuẩn bị các món lễ vật đón lễ Ramưwan, Sư cả Châu Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ramuwan năm nay bà con ở các làng Chăm rất phấn khởi vì được sự quan tâm chúc mừng của nhiều cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đầu năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, những cánh đồng rau tráiđược mùa, giá cả ổn định nên ai nấy đều vui đón Lễ cổ truyền Ramưwan.

Sư cả Châu Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận cùng gia đình đang chuẩn bị cho mùa lễ Ramưwan

Trong những ngày này chúng tôi luôn lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, hăng hái lao động sản xuất để phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang hơn. “Với truyền thống hiếu khách, người Chăm nói chung và cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Bàni, Islam nói riêng dịp này sẽ tiếp đón bạn bè đến chúc Lễ chu đáo. Càng đông khách đến chúc thì Ramưwan càng vui tươi, năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên và sung túc…”, Sư cả Châu Minh Hương cho hay.

Nét đặc trưng của dân tộc Chăm Ninh Thuận là: yếu tố dân tộc luôn quyện chặt với yếu tố tôn giáo, trong đó yếu tố dân tộc luôn mang tính vượt trội, với nhiều luật tục, lễ nghi mang đậm nét tín ngưỡng tôn giáo dân gian và văn hóa truyền thống dân tộc. Mỗi làng Chăm mang sắc thái đặc trưng riêng thường được thể hiện trong các dịp lễ hội và thường thu hút rất đông người dân và du khách trong và ngoài nước về chung vui và khám phá nét văn hóa độc đáo của người Chăm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm ở địa phương, trở thành điểm sáng trong du lịch Ninh Thuận, thu hút những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc anh em trên miền đất đầy nắng và gió này./.

Một số hình ảnh tại Lễ tảo mộ tại nghĩa trang làng Chăm Phú Nhuận xã Phước Thuận.

 

Trần Thanh Sơn