Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp tổ chức Hội thảo “Hoa văn thổ cẩm và trang phục truyền thống Chăm”.
Sáng ngày 16/7 tại Nhà trưng bày dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, đã tổ chức Hội thảo “Hoa văn thổ cẩm và trang phục truyền thống Chăm”. Tham dự hội thảo có bà Đàng Sinh Ái Chi – Phó Chủ tịch UBND thị trấn, cùng đông đủ các nhà nghiên cứu văn hóa, các trí thức, chức sắc Chăm, các nghệ nhân của làng nghề và các trường học trên địa bàn.
Với nhiều màu sắc và trên 30 hoa văn, họa tiết khác nhau, hoa văn thổ cẩm Chăm phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật… các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm Mỹ nghiệp thường gắn liền với đời sống hằng ngày của con người nơi đây như áo, váy, khăn đội đầu, xà rông, túi xách… Chính sự khéo tay của mình, người phụ nữ Chăm đã tạo ra những sản phẩm thủ công mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh việc mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, các sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp vừa có sự mềm mại từ chất liệu, cuốn hút bởi dáng vẻ duyên dáng, vừa mang nét bí ẩn, kết hợp tinh xảo từ cách phối màu tơ, đến kỹ thuật dệt, bố cục tổng thể, tạo hình hoa văn, đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo, mang bản săc riêng của người Chăm Ninh Thuận. Cùng với việc tìm lại những hoa văn cổ, sáng tác các hoa văn mới nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc; thời gian gần đây, trang phục truyền thống của người Chăm cũng được cộng đồng khuyến khích mặc không chỉ trong các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội mà còn được sử dụng mặc hàng ngày, đã mang một nét tươi mới cho làng quê có nghề truyền thống lâu đời.
Tại cuộc hội thảo, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara đã trình bày tham luận xác định giá trị đặc trưng của văn hóa thổ cẩm Chăm; đánh giá những chặng đường khôi phục các hoa văn thổ cẩm, về thực trạng, vai trò, giá trị truyền thống của văn hóa thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp trong đời sống kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy. Nhiều ý kiến tại cuộc hội thảo cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các hoa văn truyền thống, trong việc sử dụng trang phục truyền thống Chăm hàng ngày…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đàng Sinh Ái Chi - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp có đa số đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm được lưu giữ từ xa xưa. Thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một trong những nét văn hóa tạo nên tính đặc trưng của dân tộc Chăm. Đây không đơn thuần là trang phục dùng trong tín ngưỡng tôn giáo, trong lễ hội hay sinh hoạt hàng ngày, mà còn là sản phẩm văn hóa dùng làm sản phẩm tiêu dung phục vụ cho khách du lịch. Thời gian qua, trước nguy cơ bị mai một, nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều quan tâm trong việc hỗ trợ hạ tầng cơ sở, trang thiết bị để khôi phục nghề; tăng cường công tác dạy nghề, quảng bá sản phẩm, tổ chức các hội thi tay nghề… Hội thảo lần này là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thổ cẩm của cộng đồng Chăm nói chung, làng nghề nói riêng. Trong thời gian sắp tới, với mong muốn người làm nghề phải sống được bằng nghề, thì thổ cẩm Chăm không chỉ cải tiến mẫu mã hoa văn, từng bước khôi phục lại các công đoạn làm ra thổ cẩm, mà cần nghiên cứu, đa dạng các sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt. Để vươn xa tìm các thị trường trong, ngoài nước, làng nghề dệt cần có kế hoạch quảng bá, kết nối với phát triển du lịch… Các nội dung của Hội thảo cũng là cơ sở để nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng dân tộc Chăm trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa thổ cẩm gắn với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, bà Đàng Sinh Ái Chi nhấn mạnh.
Bên lề Hội thảo, ông Bạch Văn Nguyên – Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước đã tới thăm, trò chuyện động viên các đại biểu dự Hội thảo và các nghệ nhân của làng nghề.
Kết thúc Hội thảo, ông Phú Văn Ngòi – Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, chủ trì Hội thảo đề nghị, chính quyền và người dân làng nghề cần nhìn nhận đúng về thực trạng văn hóa thổ cẩm tại địa phương mình và có định hướng, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển phù hợp, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm; các ngành, các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm Chăm, cũng như có nhiều chính sách quan tâm tới các nghệ nhân và người làm nghề.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Quang cảnh và các đại biểu dự Hội thảo "Hoa văn thổ cẩm và trang phục truyền thống Chăm".
Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara (Phú Trạm) trình bày tại Hội thảo.
Bà Đàng Sinh Ái Chi - Phó chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân phát biểu tại Hội thảo
Chủ tịch UBND huyện Bạch Văn Nguyên trò chuyện, trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo.
Trần Thanh Sơn