Bế mạc các hoạt động quảng bá, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Trông khuôn khổ các hoạt động chào đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023. Thực hiện Kế hoạch của UBND Huyện Ninh Phước, Trung tâm VHTT huyện, phối hợp với UBND thị trấn Phước Dân đã tổ chức các các hoạt động quảng bá, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Cùng với Hội thi tay nghề giỏi nghệ thuật dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và làm gốm Bàu Trúc, Từ ngày 14 – 16/6 tại Thị trấn Phước Dân, các cuộc thi đấu thể thao dân tộc truyền thống, thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng cũng được diễn ra sôi nổi, thu hút hàng ngàn lượt du khách, các cơ quan báo chí, và Nhân dân tới xem và cổ vũ.

Sau 3 ngày tổ chức thi, tối 16/6 tại làng gốm Bàu Trúc, Ban tổ chức đã tổ chức bế mạc các hoạt động quảng bá, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, trao giải Hội thi thể thao dân gian và nghệ thuật quần chúng. Về dự và trao giải tại lễ bế mạc có đồng chí Bạch Văn Nguyên – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Ngô Khánh - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND Huyện, Trưởng Ban tổ chức; về tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo Phòng VHTT, Trung tâm VHTT và TT huyện; lãnh đạo các xã, thị trấn cùng đông đảo Vận động viên, diễn viên và Nhân dân tới xem và cổ vũ.

Nhận xét về các tiết mục dự thi tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Nghệ sỹ ưu tú, nhạc sỹ Amư Nhân đã đánh giá cao sự cố gắng, sáng tạo của các diễn viên không chuyên. Các tiết mục đều có nội dung ca ngợi Đảng, quê hương đất nước, Bác Hồ kính yêu và mang đậm nét truyền thống dân tộc. Những tiết mục được Ban giám khảo đánh giá cao đều thể hiện được cái mới, có đầu tư dàn dựng công phu và có sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương.

Ban tổ chức đã trao các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố tiếp sức, bịt mắt đập niêu… cho 9 đơn vị dự thi. Trao giải cho hội thi nghệ thuật quần chúng gồm các thể loại đơn ca, tốp ca, múa, hòa tấu nhạc cụ truyền thống cho 11 đơn vị tham gia, bao gồm 9 xã thị trấn và 2 đơn vị HTX dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và HTX Sản xuất, TM và DV gốm Bàu Trúc. Kết quả toàn đoàn: Giải Nhất đã được trao cho Thị trấn Phước Dân, giải Nhì xã Phước Hữu và giải Ba cho xã Phước Thái.

Phát biểu tại lễ bế mạc, đồng chí Ngô Khánh – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BTC đã biểu dương tinh thần thi đấu, tham gia hội thi của các đoàn, sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành và nhân dân. “Các hoạt động đã được tổ chức thành công, chu đáo, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người và cộng đồng các dân tộc Ninh Phước nói chung và các làng nghề nói riêng đến đông đảo Nhân dân trong toàn huyện và du khách…” Hội thi đã khẳng định hơn nữa việc quan tâm của Đảng, Nhà nước về làng nghề và đồng bào dân tộc Chăm. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tại làng nghề tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị đã có… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương trong huyện, đặc biệt là thị trấn Phước Dân sau các hoạt động lần này, tiếp tục phát huy hơn nữa tính chủ động trong việc bảo tồn, truyền dạy, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và tổ chức các hình thức trải nghiệm thực tế cho du khách khi đến địa phương, làng nghề tham quan. Từng bước thúc đẩy phong trào thể thao văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở lên một bước mới. Cùng với các ngành các cấp, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo thành sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng địa phương phát triển bền vững.

Một số hình ảnh lễ bế mạc:

Trần Thanh Sơn