Độc đáo nghệ thuật gốm Chăm Bàu Trúc

 Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ hội Nho và Vang tinh Ninh Thuận năm 2023, huyện Ninh Phước triển khai nhiều hoạt động đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Toàn huyện tập trung quảng bá về làng nghề truyền thống, các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và các sản phẩm đặc thù của địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Phụ nữ làng Bàu Trúc nhào đất sét chuẩn bị nguyên liệu chế tác gốm Chăm

          Ngày 29- 11- 2022, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là tin vui đến với đồng bào Chăm làng Bàu Trúc và người dân tỉnh Ninh Thuận thỏa lòng mong đợi từ nhiều năm qua.

Các nghệ nhân làng Bàu Trúc chế tác gốm Chăm.

Trở lại làng gốm Bàu Trúc vào những ngày toàn tỉnh kỷ niệm 48 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, chúng tôi ghi nhận nhịp sống mới ở làng nghề cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á. Làng Bàu Trúc, tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok, thuộc địa bàn thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Toàn làng gồm hai khu phố là Bàu Trúc và khu phố 12 hiện có 1.286 hộ với 5.871 nhân khẩu gắn bó với nghề gốm truyền thống mẹ truyền con nối. Theo lưu truyền của cư dân địa phương, ông Poklong Chanh cùng vợ là bà Nai Lank Mưh dạy cho phụ nữ làm gốm được gìn giữ phát triển bền vững đến ngày nay. Người dân làng Bàu Trúc tổ chức trọng thể giỗ tổ nghề gốm vào dịp đón mừng lễ hội Katê hàng năm. Nhà nước hỗ trợ và nhân dân địa phương đóng góp xây dựng đền thờ khang trang phục vụ tốt nhu cầu phụng thờ tổ nghề gốm Chăm.

Sản phẩm gốm thô dược nghệ trang trí hoa văn, làm láng trước đi đưa ra phơi nắng.  

Thiếu nữ trong làng 13-15 tuổi học nghề làm gốm theo hình thức mẹ truyền con nối. Đến khi có chồng, phụ nữ phải biết làm đủ các sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt gia đình từ ấm đất đến lu đựng nước cũng các sản phẩm gốm mỹ thuật trang trí nội thất. Người thợ làm gốm gởi gắm tình cảm, tâm linh của mình vào trong từng thớ đất, từng nét hoa văn. Điểm đặc sắc tài hoa của người thợ làm làm gốm là dùng vỏ sò, vỏ ốc, chiếc lược, mảnh nhựa, nắp chai, nắp viết lông, nhíp cắt móng tay… tạo nên đường nét sinh động trang trí cho sản phẩm gốm Chăm. Sản phẩm “độc bản” của mỗi người thợ gốm Chăm có tiếng nói riêng không hề trộn lẫn vào nhau. Một sản phẩm gốm bán đi năm năm, mười năm nhưng khi gặp lại, họ vẫn nhận được mặt hàng do tay mình làm ra.

Du khách tham quan, mua sắm sản phẩm tại làng gốm Bàu Trúc

Tỉnh Ninh Thuận có 22 làng Chăm nhưng chỉ có phụ nữ và đất sét làng Bàu Trúc mới làm được đồ gốm. Nghề làm gốm rất công phu. Đất sét được lấy từ ruộng Nu lanh (nu: gò, lanh: đất sét) chở về đập nhỏ đào hố ủ đất qua một đêm với lượng nước vừa phải. Sáng hôm sau, đem đất đã ủ trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Họ đi vòng quanh bệ gốm để chế tác sản phẩm. Bàu Trúc là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay tài hoa của mình để cho ra đời những sản phẩm đất nung. Sau khi tạo dáng, gốm thô được đưa ra phơi nắng 4-6 giờ rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre làm láng. Mỗi gia đình sản xuất gốm mộc trong thời gian năm - mười ngày mới đưa ra nung chín, lò nung lộ thiên. Sản phẩm gốm thô được xếp đan xen với rơm, củi khô, vỏ dừa. Thời gian đốt 4-5 giờ là gốm chín có sắc đỏ tươi nguyên của màu đất được tôi luyện qua lửa. Các sản phẩm gốm có kích thước lớn được nung trong lò chịu nhiệt cao với thời gian 8-12 giờ.

Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc phấn khởi tham gia Hội thi Bàn Tay Vàng

Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường, từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, tháp Chăm, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày của cư dân phương Nam như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi. Gốm ra lò được xe tải đến vận chuyển theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp hoặc bán sản phẩm online và phục vụ du khách đến tham quan mua gốm trực tiếp tại Bàu Trúc. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi người thợ làm gốm Chăm truyền thống và gốm trang trí có thu nhập trung bình 4,5- 6 triệu đồng/tháng. Làng gốm Bàu Trúc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm làm quà lưu niệm.

Người dân làng Bàu Trúc luyện tập văn nghệ chuẩn bị đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng làng xóm khang trang, giúp người dân làng gốm Bàu Trúc phát triển sản xuất, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo ở Bàu Trúc cỏn hơn 4%, chủ yếu già cả, neo đơn, thiếu sức lao động. Chính quyền địa phương động viên bà con đoàn kết thi đua làm nhiều sản phẩm đẹp, bền, tốt đáp ứng tốt nhu cầu thị trường xứng danh với Nghệ thuật làm gốm của người Chăm di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Phát triển làng nghề gốm thịnh vượng, tích cực góp phần xây dựng quê hương Ninh Phước giàu đẹp.  

Sơn Ngọc