Sẵn sàng mừng đón Lễ hội Nho và Vang năm 2023
Tỉnh ta tập trung chuẩn bị khai mạc Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 kết hợp đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Lễ hội dự kiến diễn ra từ ngày 13/6 đến ngày 18/6/2023, với nhiều hoạt động hội thảo chuyên đề, tham quan, giải trí, du lịch. Các vườn nho huyện Ninh Phước sẵn sàng mừng đón Lễ hội Nho và Vang năm 2023.
Anh Tống Minh Hoàng ở xã Phước Thuận chăm sóc vườn nho Ngón tay đen không hạt phục vụ Lễ hội Nho và Vang năm 2023
Nông dân huyện Ninh Phước canh tác 416 ha cây nho, chiếm 35% diện tích và sản lượng nho toàn tỉnh. Diện tích cây nho được trồng tập trung ở các xã Phước Thuận 222 ha, Phước Dân 55 ha, An Hải 45 ha, Phước Sơn 40 ha...Đến với vùng nho xã Phước Thuận, chúng tôi ghi nhận không khí phấn khởi của bà con nông dân sửa san trang trí vườn nho, chăm sóc cây nho cho trái chín vào trung tuần tháng 6/2023. Chủ các cơ sở trang trại nho Ba Mọi, nông trại Hoàng Yến, nông dân vùng trồng nho tập trung Phước Thuận sẵn sàng mừng đón Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 kết hợp đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Nông dân xã Phước Thuận chăm sóc vưởn nho chuẩn bị đón mừng Lễ hội Nho và Vang năm 2023
Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 nhằm tôn vinh giá trị kinh tế do cây nho và các sản phẩm chế biến từ nho đem lại cho người dân Ninh Thuận. Đồng thời giới thiệu quảng bá văn hóa đặc sắc gốm Chăm làng Bàu Trúc đến với du khách trong và ngoài nước. Cây nho có nguồn gốc từ các nước Âu- Mỹ xa xôi đã “bén duyên” sinh trưởng tốt trên vùng đất nắng gió Ninh Thuận. Cây nho và hiệu quả kinh tế của nó đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho hàng ngàn nông hộ trồng nho trên địa bàn tỉnh.
Nghệ nhân Đàng Thị Hoa và các nghệ nhân HTX Gốm Chăm Bàu Trúc chế tác gốm phục vụ Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 kết hợp đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Kỹ sư Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết với diện tích canh tác trên 1.160 ha nho hiện nay đưa tỉnh ta trở thành “phủ phủ” của loài cây ăn trái được mệnh danh là “nữ hoàng” ở Việt Nam. Cây nho được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và an toàn sinh học bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Hàng năm, nông dân Ninh Thuận cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 tấn nho trái thương phẩm. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng nho ước đạt 7.780 tấn. Trong đó, gồm các giống nho xanh NH 01-48, nho hồng NH01-152, nho đỏ Red Cardinal phục tráng. Đặc biệt các giống nho mới thích nghi điều kiện thổ nhưỡng Ninh Thuận cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như NH04- 152, nho Mẫu Đơn, Hạ Đen không hạt...
Du khách trong và ngoài nước thích thú khi được tham quan, tìm hiểu quy trình canh tác nho và được thưởng thức hương vị độc đáo riêng có của loài cây “nữ hoàng” ngay giữa những vườn nho trong lành. Ngoài các giống nho ăn tươi, nông dân huyện Ninh Phước còn trồng các giống Sauvignon Blanc, Shiraz, NH02-90 cung cấp nguyên liệu chế biến vang nho. Sau hơn một năm “nằm hầm” trải qua các cung đoạn chế biến cho ra sản phẩm vang nho Ninh Thuận nồng nàn làm ngất ngây hồn người thưởng thức đến với Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 kết hợp đón nhận Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Sơn Ngọc