Mỹ Nghiệp - vùng văn hóa Chăm lộng lẫy những sợi chỉ đủ màu

Phần II - Trải nghiệm không gian văn hóa tại làng Chăm Mỹ Nghiệp. Về Mỹ Nghiệp nghe kể truyền thuyết vua Po K’long Garai

Có thể nói Mỹ Nghiệp là một trong những vùng quê có không gian văn hóa khá rộng, bao trùm một phần lịch sử Chăm Pa xưa. Du khách có thể đi thăm thú các Kut Chăm, Kut Raglai luôn lặng trầm ở ngay trong làng, Người Chăm theo đạo Bà La Môn quan niệm khi bộ xương trán được đưa vào Kut thì cũng là lúc linh hồn người chết được hóa kiếp và đi vào thế giới vĩnh hằng với ông bà tổ tiên, dòng họ cùng các vị thần linh.

Những Kut Chăm luôn lặng trầm ở ngay trong làng Mỹ Nghiệp, Người Chăm theo đạo Bà La Môn quan niệm khi bộ xương trán được đưa vào Kut thì cũng là lúc linh hồn người chết được hóa kiếp và đi vào thế giới vĩnh hằng với ông bà tổ tiên, dòng họ cùng các vị thần linh.

Về Mỹ Nghiệp, du khách sẽ được nghe các cụ già kể về truyền thuyết hai vợ chồng Muk Chakling và Ong Paxa cùng cô con gái nuôi Karit xinh đẹp, nết na. Trong một lần cùng cha vào rừng đốn củi, cô uống nước trên một tảng đá rồi tự nhiên có thai, sau đó sinh hạ ra một cậu bé đặt tên là Jatol. Sau này, Jatol cùng người bạn thân là Po Klong Chank đi buôn trầu; một hôm trời nắng nóng, Jatol mệt nên nằm ngủ ở tảng đá mát, còn cậu bạn đi tìm nước; lúc trở lại, Po Klong Chank thấy bạn mình đang được hai con rồng trắng từ trời bay xuống liếm vào mặt. Khi Jatol tỉnh dậy, bỗng trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Thời gian sau, khi vua Xulika băng hà. Con voi trắng của vua bỗng trở nên hung dữ, phá chuồng chạy đến tìm Jatol. Đây được coi là sự lạ giống như một điềm báo, cùng với việc Jatol được rồng liếm mặt, nên nhân dân đã tôn thờ Jatol lên làm vua. Ông lên ngôi xưng hiệu là Po K’long Garai, Ông được coi là vị vua tài giỏi, đắp đập Nha Trinh dẫn thủy nhập điền, dạy dân trồng lúa. Di tích đạp nước hiện còn tồn tại cho đến ngày nay, Sau khi mất, ông được nhân dân thờ phụng tại ngôi tháp trên đồi Trầu, đó chính là tháp Po K’long Garai bây giờ.

Mỹ Nghiệp sắc màu của những lễ hội.

Ngoài trải nghiệm về nghề dệt thổ cẩm, nếu du khách về đây đúng dịp lễ hội Katê, lễ hội lớn nhất của người Chăm theo đạo Bà La Môn, thường tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch hàng năm), thì bạn còn được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy màu sắc, trải từ trên các đền tháp về tận các ngõ phố, đường làng. Khi phần lễ vừa được tổ chức ở trên các khu đền tháp xong, thì cũng là lúc phần hội bắt đầu tưng bừng ở trong làng, với các cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc, thi dệt thổ cẩm… rộn ràng và thu hút du khách nhất vẫn là các trò chơi truyền thống như thi đội nước, kéo co, đẩy gậy… Thật hiếm làng Chăm nào như Mỹ Nghiệp có thể tổ chức được một giải bóng đá, bóng chuyền mà có tới chục đội bóng trong làng tham gia. Môn bóng đá không chỉ dành cho các trai làng, mà có cả những thiếu nữ buổi chiều xỏ giày vào sân, tối xúng xính áo dài uyển chuyển trên sân khấu với các điệu múa cổ truyền dân tộc trong rộn ràng trống Ghi Năng, Paranưng, réo rắt kèn Saranai… Người Chăm Mỹ Nghiệp cũng giống như ở các làng Chăm khác ở Ninh Thuận, hầu như ai cũng thích ca hát, nhảy múa. Trong bất cứ lúc nào, khi ở ngoài đồng, lúc dệt vải người dân ở đây vẫn có thể hát được, Mỗi khi có dịp sinh hoạt tập thể, họ cũng có thể kéo bạn vào nhún nhảy theo các điệu múa cổ truyền. Mỹ Nghiệp là một trong số ít các làng Chăm, vào dịp lễ hội Ka Tê thường tổ chức múa tập thể trên sân với số lương gần 300 diễn viên, nhạc công là người dân làng. Năm 2017, Lễ hội KaTê đã được Bộ VHTT và DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Du khách về đây đúng dịp lễ hội Katê, là dịp được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy màu sắc, trải từ trên các đền tháp về tận các ngõ phố, đường làng

Vượt đồi cát tới công viên đá khô hạn, xuống đồng trũng bốn mùa ngắm sen nở.

Về Mỹ Nghiệp du khách không thể bỏ qua bãi đá cổ Karang, nơi được coi là công viên địa chất khô hạn hiếm có ở Việt Nam, Bãi đá nằm phía nam của làng, du khách có thể di chuyển bằng xe máy, đi bộ hoặc ngồi trên xe trâu đi tới bãi đá. Đứng trên đồi nhìn thung lũng đá im lìm phơi trong ráng chiều, du khách thỏa trí tưởng tượng, khi trước mắt mình, trải dài dưới thung lũng, ngút tầm mắt là vô vàn khối đá san hô đủ hình dáng, mỗi góc là một cảnh vật khác nhau, chỗ thì giống như một tháp Chăm thời Đồng Dương uy nghi vươn lên trời, nơi thì dáng hình sinh động của một lễ hội, người múa, người đánh trống… tất cả như thể có linh hồn đang quây tụ vào trong một không gian linh thiêng, của một ngôi làng đã biến mất từ trong truyền thuyết ngàn đời trước về sự phun trào của núi lửa…

Bãi đá cổ Karang, nơi được coi là công viên địa chất khô hạn hiếm có ở Việt Nam. Nơi gắn với một ngôi làng đã biến mất từ trong truyền thuyết ngàn đời trước về sự phun trào của núi lửa

Mỹ Nghiệp vài năm gần đây còn là điểm đến đã làm không ít khách du lịch trong và ngoài tỉnh phải sửng sốt, khi giữa cái nắng như thiêu đốt, giữa cái khô khát tưởng như vắt kiệt mọi sự sống, bỗng đâu hiện ra một cánh đồng sen cuối làng, quanh năm ra hoa làm dịu mát một khoảng trời xứ này. Những ao sen, đồng sen chính là điểm du lịch mới đang thu hút nhiều đoàn khách du lịch, các trường đại học tìm đến để tìm hiểu văn hóa bản địa, hoặc đơn giản du khách đưa cả gia đình từ nơi đô thị ồn ào, tìm cho mình những giây phút thư giãn với hương sen thơm ngát.

Những cánh đồng sen chính là điểm du lịch mới đang thu hút nhiều đoàn khách du lịch, các trường đại học tìm đến để tìm hiểu văn hóa bản địa, hoặc tìm cho mình những giây phút thư giãn với hương sen thơm ngát

Gần 10 năm trước, một số hộ dân đã chuyển đổi đất ruộng trũng canh tác lúa không hiệu quả sang trồng sen. Ban đầu chỉ là lấy hạt, lấy ngó sen. Sau rồi thấy nhiều người tìm đến để ngắm cảnh, chụp ảnh, họ chuyển sang làm du lịch. Khu du lịch Văn hóa và Sinh thái Sen Charaih ở giữa cánh đồng mênh mông, là cơ sở đi tiên phong trong cách phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, tận dụng chính tài nguyên sẵn có ở địa phương để làm du lịch. Ở đây du khách có thể tham gia các trò chơi, hoạt động tập thể, tái hiện sinh hoạt dân dã đồng quê, trải nghiệm văn hóa bản địa như mò cua bắt ốc, giăng lưới, câu cá đồng… hay ngồi trong những chiếc chòi nhỏ thưởng thức ẩm thực Chăm, với các món ăn hầu hết lấy vật nuôi trong vườn và từ sen. Tối đến có thể đốt lửa trại, thưởng thức vị bùi bùi của hạt sen rang, nhâm nhi ly rượu nho rồi hòa mình cùng các chàng trai, cô gái làng hát dân ca, dịu dàng trong các điệu múa cổ truyền dân tộc Chăm…

Một số hộ dân làng đã tổ chức dịch vụ Homestay để khách có thể ở lại, tìm hiểu về văn hóa và trải nghiệm đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân tộc Chăm

Trong khi các nơi khác mỗi năm chỉ 1 mùa sen nở, thì ở đây cả một mùa hè sang tới thu cánh đồng rộ hoa, vào mùa đông xuân tiết trời lạnh hơn, nhưng chủ nhân vẫn biết cách làm cho sen ra hoa, mặc dù không nhiều. Ở đây không chỉ có sen, mà còn có nhiều góc để khách trải nghiệm những nét rất quê với cánh đồng hoa hướng dương, thạch thảo, cúc đỏ, vàng trên bãi đất; hoa súng tím, trắng ở ven hồ… Điều đặc biệt ở đây là sen chủ yếu được trồng trên những mảnh ruộng trũng, nên du khách có thể thoải mái đi trên những bờ ruộng, hoặc những con đường bằng tre gỗ mà chủ nhân đã làm sẵn để có thể mang về cho mình những bức ảnh đẹp.

Tới đây du khách có thể thưởng thức ẩm thực Chăm, với các món ăn hầu hết lấy vật nuôi trong vườn và từ sen

Mỹ Nghiệp – Ước mơ ngày mai, thổ cẩm sẽ mãi được phát triển và bảo tồn.

Nằm sát bên làng Bàu Trúc, nơi có nghề gốm Chăm vừa được UNESCO ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Đến làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, du khách phương xa có thể sử dụng các phương tiện như xe buýt, taxi, thuê xe máy hoặc thuê ô tô riêng, đi từ trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10 km theo Quốc lộ 1a là tới. Khách du lịch có thể tới bất cứ thời gian nào trong ngày, ghé các cơ sở dệt thổ cẩm, hay đến nhà trưng bày của HTX thổ cẩm Chăm ở giữa làng, để trải nghiệm nghề dệt truyền thống có từ lâu đời và hoàn toàn miễn phí. Các khu du lịch sinh thái sen và một số điểm trong làng, có tổ chức dịch vụ ẩm thực với các món ăn truyền thống đặc sản dân tộc Chăm tại sân vườn, đáp ứng đủ các tiêu chí ngon, bổ, rẻ và vệ sinh. Vài năm nay đã có một số hộ dân tổ chức dịch vụ Homestay để khách có thể ở lại, tìm hiểu về văn hóa và trải nghiệm đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân tộc Chăm. Không có gì tuyệt vời hơn, khi sáng sớm ngắm bình minh lên, xem đàn cò rủ nhau về trắng cả góc đồng sen, hoặc khi đêm về ngồi thưởng thức ly trà sen, chờ trăng lên phía cánh đồng sen đang ngan ngát hương, để tự tìm cho mình cảm giác an yên và thanh bình tại làng Chăm bình dị giữa bộn bề cuộc sống.

 

Mỹ Nghiệp còn là điểm đến của các tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Họ tới để chụp dời sống sinh hoạt dung dị của người Chăm bản đia; chụp ảnh ông già Bao người hơn 10 năm trước thăm con đi NVQS, ông mang kèn Saranai ra thổi ở Trường Sa.

Mỹ Nghiệp còn là điểm đến không thể bỏ qua của các tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Họ tới để chụp người dân làm thổ cẩm; góp vào bộ sưu tập của mình nét sinh hoạt dung dị của người Chăm bản đia; chụp ảnh ông già Bao với bộ râu trắng như cước, người hơn 10 năm trước thăm con đi NVQS, ông mang kèn Saranai ra thổi ở Trường Sa, hay các thiếu nữ Chăm thướt tha trong bộ váy áo truyền thống, nghiêng mình trên khung dệt thổ cẩm thanh thanh câu hát “… Ơi sợi chỉ đủ màu, dệt áo anh em dệt ước mơ…”. Ước mơ về một ngày mai, nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp sẽ được phát triển và bảo tồn, cùng với sự đi lên của một làng Chăm dung dị mà đầy màu sắc, giữa chốn đô thị rộn ràng nhịp sống.

Trần Thanh Sơn