Mỹ Nghiệp - vùng văn hóa Chăm lộng lẫy những sợi chỉ đủ màu

Phần I – Ký ức plei Caklaing thăng trầm nghề thổ cẩm Chăm

Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một trong những làng Chăm cổ, với nghề truyền thống dệt thổ cẩm đã có từ bao đời. Cùng với làng gốm Bàu Trúc, nghề dệt thổ cẩm ở đây từ lâu, đã được coi là biểu tượng rực rỡ của một thời văn hóa Chăm Pa ở xứ Panduranga xưa.

Làng Mỹ Nghiệp theo cách gọi của người Chăm xưa là plei Caklaing (Nay bao gồm 2 Khu phố Mỹ Nghiệp và 13) tọa lạc tại Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. cách quốc lộ 1a khoảng hơn 1 km về phía đông. Trước năm 1975 sản phẩm thổ cẩm chủ yếu làm trang phục cho các chức sắc tôn giáo theo phong tục tập quán tại địa phương, ngoài ra còn được người dân mang lên bán cho các dân tộc anh em Tây Nguyên.

Cổng vào làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp

Sau năm 1975 nghề dệt Mỹ Nghiệp hoạt động cầm chừng do thiểu nguyên liệu và thị trưởng thu hẹp. Từ năm 1985 và đặc biệt 20 năm về trước, khi tỉnh Ninh Thuận triểm khai Đề án khôi phục và bảo tồn làng nghề Chăm truyền thống, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà trưng bày, tổ chức các hoạt động truyền nghề, quảng bá sản phẩm… có thể nói dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã hồi sinh và có bước phát triển mới, thị trường lúc này được mở rộng ra các tỉnh các điểm du lịch trong và ngoài nước.

Biết dệt vải là tiêu chuẩn đánh giá sự khéo tay, đảm đang của người phụ nữ

Theo nhiều nguồn tư liệu, thì nghề dệt của người Chăm đã xuất hiện ở Mỹ Nghiệp, phát triển khá sớm và đã đạt đến trình độ tinh xảo! Người Chăm ở đây vẫn coi Po Ina Nagar là tổ nghề, ngài là vị nữ thần đã dạy người Chăm nghề dệt. Vị thần này còn có tên gọi khác là thần Muk Juk (tiếng Việt gọi là Bà Đen), riêng người Chăm hay gọi thần là Patao Kumay (nghĩa là vua của đàn bà) hay Stri Ratjnhi (nghĩa là chúa của phụ nữ). Theo truyền thuyết kể rằng khi con người mới xuất hiện trên trái đất, Po Ina Nagar đã giảng xuống trần sinh sống với người Chăm, dạy người Chăm cây cấy, trồng lúa, dệt vải..., ngoài ra Po Ina Nagar còn dạy người Chăm biết tổ chức đất nước, xây dựng nhà nước, nền hành chính quốc gia và xây đền tháp thờ các vị thần. Bởi thế hàng năm vào dịp lễ tại tháp Ponưga tại Nha Trang, người dân làng vẫn mang đồ lễ tới dâng cúng và nhảy múa hát ca.

Công việc dệt thổ cẩm ở đây chủ yếu do phụ nữ làm nghề.

Nghề dệt ở làng Mỹ Nghiệp chủ yếu được tan tỏa đến các thế hệ sau nhờ phong tục mẹ truyền con nối. Ngày xưa người Chăm ở đây, coi việc biết dệt vải là tiêu chuẩn đánh giá sự khéo tay, đảm đang của người phụ nữ và đây là một trong những tiêu chuẩn về mẫu phụ nữ Chăm lý tưởng, đẹp người, đẹp nết cho người đàn ông hướng tới.

Chất liệu để dệt thổ cẩm chính là những rẫy bông vải được trồng quanh làng.

Trước đây, thổ cẩm Chăm được dệt từ sợi cây bông vải. Bông vải thường được người Chăm trồng ở đất rẫy, vào mùa mưa, mỗi năm 1 vụ; còn sợi tơ nổi tiếng là tơ tằm (kajuak, ritaih) ở Mỹ Tường (Kuhu – Ninh Hải – Ninh Thuận). Tuy vậy từ sau thời Pháp thuộc nghề trồng dâu nuôi tằm của người Chăm bắt đầu không được chủ ý và sau năm 1975 thì mất hẳn. Việc tạo ra sợi chỉ để dệt cũng được làm thủ công rất cầu kỳ và phức tạp. Từ việc hái bông ngoài đồng đem về tách hạt lấy bông, cho đến kéo sợi, nhuộm, hồ, chải và đánh ống, móc chỉ, lên go… Bây giờ, khi không còn ai trồng bông nữa, người dệt thổ cẩm sử dụng các loại sợi có sẵn trên thị trường nên đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, các bước trong quy trình dệt vải như đánh ống, móc sợi, bắt go tạo hoa văn đưa vào khung dệt… đều được thực hiện một cách tỉ mỉ và khéo léo. Tùy công năng sử dụng sẽ có từng loại vải với quy cách và hoa văn khác nhau, nên thổ cẩm sẽ được dệt trên loại khung phù hợp. Ở Mỹ Nghiệp người làm nghề thường sử dung 2 loại khung làm bằng gỗ: Khung dệt dài: (dệt vải khổ hẹp, dây) và khung ngồi có đai vòng qua lưng dùng để dệt vải khổ rộng. Quá trình dệt 1 tấm vải bằng khung, thường kéo dài trong khoảng từ hai đến ba ngày, tùy vào mức độ cầu kỳ và phức tạp của sản phẩm. Khi dệt, để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, người thợ lành nghề cần có một sự tập trung cao độ và bền bỉ. Khi cần tạo ra các hoa văn phức tạp còn cần phải có sự ăn ý nhịp nhàng của 2 người dệt với nhau, nếu chỉ nhầm lẫn 1 đường dệt thôi, sẽ tạo ra những bản hoa văn bị lệch và mất giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm.

Chất liệu để dệt thổ cẩm ngày xưa, chủ yếu làm từ bông vải và tơ tằm

Đặc sắc hoa văn sắc màu thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp

Nếu trang phục là một trong những giá trị văn hóa giúp phân biệt sắc thái giữa các vùng miền trong cộng động các dân tộc Việt Nam, thì hoa văn trên trang phục chính là bộ phận quan trọng cấu thành tạo nên sự khác biệt ấy. Hoa văn trên thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, không chỉ có chức năng trang trí mang tính thẩm mỹ, mà còn là tín hiệu phản chiếu đặc trưng văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng... qua đó có thể phân biệt giới tính, giai cấp, tuổi tác, chức sắc tôn giáo, địa vị xã hội của người sử dụng.
Dù chỉ dệt bằng khung truyền thống, nhưng không vì thế mà các hoa văn hay họa tiết trên sản phẩm dệt của người Chăm trở nên đơn điệu và thiếu điểm nhấn. Theo các nghệ nhân làng dệt, thì họa tiết của được dệt trên thổ cẩm của Mỹ Nghiệp thường được trang trí đối xứng với nhau. Hoa văn thổ cẩm Chăm phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…hiện có trên 30 loại hoa văn, được tạm chia làm các nhóm: Hoa văn thực vật như quả trám, dây leo, đậu ván, hạt lúa nổ… Hoa văn động vật như hình người, hạt cườm bồ câu, mai rùa, thằn lằn… Hoa văn chỉ đồ vật như hình tháp, hình nắp hộp, răng cưa, móc neo… và các loại hoa văn khác như hạt cườm, bong bóng, hình mắt lưới… Có nhiều loại hoa văn cổ thời xưa rất phức tạp, sau này được bà Phú Thị Mỡ và một số nghệ nhân khác trong làng phục hồi lại như: hoa văn thần Shiva cưỡi chim Trĩ, hình Rồng, hình con Trăn… và để dệt được những sản phẩm hoa văn này, phải sử dụng khung dài và cần tới 2 người thợ có tay nghề giỏi phối hợp mới dệt được.

Hoa văn thổ cẩm Chăm phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…

Mỗi sản phẩm ở Mỹ Nghiệp có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng…mỗi kiểu hoa văn trên thổ cẩm đều góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng loại sản phẩm. Thổ cẩm có thể được coi là một công trình nghệ thuật tài hoa về mỹ thuật, hội họa sử dụng màu sắc. Các màu trên thổ cẩm được người Chăm dùng phổ biến là màu nguyên, với sắc độ chói chang tạo ấn tượng mạnh như: đỏ, trắng, vàng, xanh lá, ngoải ra các màu khác cũng thông dụng như: đen, nâu, chàm, xanh mực…. Các nghệ nhân lớn tuổi trong làng kể lại, ngày xưa màu của thổ cẩm đều được nhuộm từ thực vật như: Màu đỏ: dùng cây “phun pan” chẻ nhỏ ngâm lấy nước, nhuộm sợi đến khi nào nước hết màu đỏ thì thôi, ngoài ra màu đỏ còn được chế biến từ cánh kiến đỏ; màu đỏ nâu được chế biến từ loại da cây “kalih likun”, loại cây này lấy vỏ tươi chẻ nhỏ ngâm nhiều ngảy, vô cây này nhiều nhựa nên màu nhuộm rất bền, khó phai. Màu vàng: chế biển từ củ nghệ; màu nâu; chế biến từ củ “phun jieng”, chặt thành miếng ngâm lấy nước ngâm sợi; màu chàm: được chế biến từ cây chậm (maow)…

Nghề dệt thổ cẩm - đời nối đời mẹ truyền cho con gái

Làng nghề ở đây cũng giống như làng gốm Bàu Trúc. Hầu như trong mỗi gia đình đều có một nơi đặt khung dệt. Từ xa xưa, con gái lớn lên luôn được bà, mẹ truyền nghề, đàn ông chỉ tham gia vào các công đoạn phụ như nhuộm sợi, lên go hay bây giờ là cắt may... Trên các tuyến đường chính vào làng, vô số các cơ sở vừa dệt mọc lên. Đây vừa là nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi dệt, cũng là nơi sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm và vừa kinh doanh phục vụ khách du lịch. Vào làng đi dạo quanh các con ngõ nhỏ, du khách sẽ cảm sẽ được không khí bình yên ở đây. Làng bao năm rồi vẫn thế, trong 1 khuôn viên có nhiều thế hệ gia đình sống chung hòa thuận. Xen trong tiếng trẻ con ê a học bài là tiếng phập phập của Prứk (dao gỗ dùng để dệt) của những nghệ nhân đang lướt trên những khung dệt một cách điêu luyện, tiếng baoh karang lanh canh như một điệu nhạc đặc trưng của làng nghề (baoh karang là những vật bằng kim loại hoặc đá san hô treo cố định vào các go, người thợ thường kéo lên xuống để dệt sợi). Đồng thời sẽ được trải nghiệm ngồi trên khung cửi để trở thành nghệ nhân khi tự tay làm nên những sản phẩm độc đáo. Khách còn được nghe những câu chuyện thăng trầm của nghề dệt, để hiểu được từ cuộn sợi phải trải qua bao công đoạn và thời gian để thành 1 tấm thổ cẩm đầy sắc màu. Sự trải nghiệm nhất định sẽ mang lại cho bạn cảm giác quý giá và trân trọng hơn những sản phẩm thủ công mà người Chăm đã tạo ra. Ngoài giá trị về mặt vật chất, thổ cẩm làng Chăm Mỹ Nghiệp còn những ý nghĩa về mặt tinh thần vô cùng quý báu. Đó là sự chịu thương chịu khó, đó là tinh thần bền bỉ lưu giữ nền văn hóa đã trải qua hơn ngàn năm của dân tộc mình.

Ngoài giá trị về mặt vật chất, thổ cẩm làng Chăm Mỹ Nghiệp còn những ý nghĩa về mặt tinh thần vô cùng quý báu. Đó là sự chịu thương chịu khó, đó là tinh thần bền bỉ lưu giữ nền văn hóa đã trải qua hơn ngàn năm của dân tộc mình

Thay đổi để phát triển, phát triển nhưng vẫn bảo tồn.

Khoảng vài chục năm gần đây, thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngoài việc để may các loại trang phục truyền thống, người dân ở đây còn sử dụng thổ cẩm để may khăn quàng, túi xách, ba lô, hộp bút, các loại ví, túi xách tạo được phong cách cá tính và sự nổi bật cho người sử dụng. Với các đường nét hài hòa, tinh tế nhưng không kém phần mạnh mẽ, hiện đại đầy quyến rũ, thổ cẩm đang dần trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế sử dụng chất liệu thổ cẩm để may các kiểu váy hiện đại, áo và quần góp phần tạo nên những bộ trang phục mang tính ứng dụng cao, ấn tượng đẹp như một phong cách thời trang đầy cá tính tô điểm thêm vẻ đẹp năng động, độc đáo cho chủ nhân của chúng.

Điều đặc biệt ở Mỹ Nghiệp, làm thổ cẩm bây giờ không chỉ là những người lớn tuổi, mà đã có nhiều người trẻ đi học đại học, cao đẳng, tốt nghiệp ra trường, nhưng không đi làm mà về làng để nối nghiệp bà, mẹ để bén duyên với thổ cẩm truyền thống. Và cái cách họ làm, tiếp cận thị trường cũng đáng để nhiều người học hỏi như cải tiến, sáng tác ra nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị hiếu người dùng. Nhiều bạn trẻ năng động, tự mở cơ sở để kinh doanh. Có lúc lượng hàng thổ cẩm xuất đi, chỉ một cú nhấp chuột trên máy tính, cũng bằng cả chục người đi bán thổ cẩm hàng tháng trên Tây nguyên.

Thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp có mặt trong các nghi lễ tôn giáo, trong đời sống hàng ngày, trong lễ hội và cưới xin

Đến với làng Mỹ Nghiệp, bạn sẽ ngạc nhiên bởi những ngôi nhà mới xây hiện đại, những chiếc xe hơi đắt tiền… không còn là “của hiếm” ở vùng quê mấy chục năm trước, vẫn được coi là nghèo nhất nhì địa phương. Mỹ Nghiệp được biết đến không chỉ là làng nghề thổ cẩm truyền thống lâu đời, đây còn là đất học với hàng trăm người đỗ đạt làm kỹ sư, bác sỹ, giáo viên… trong vài năm gần đây mới có 2 người trẻ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ở nước ngoài. Nhiều người dân làng vẫn tự hào nói rằng: “Chính thổ cẩm được làm ra từ sự cần cù, chịu thương, chịu khó của các bà mẹ Chăm đã nuôi con cháu ăn học thành tài”.

Trần Thanh Sơn