Đồi cát Nam Cương – Điểm du lịch độc đáo hấp dẫn của Ninh Phước

Đồi cát Nam Cương thuộc thôn Nam Cương, xã An Hải, huyện Ninh Phước Ninh Thuận, hay như cách gọi dân dã của người dân là “Động Nam Cương”, cách trung tâm thành phố Phan Rang, Tháp Chàm khoảng 7 km về hướng đông nam. Chỉ vài năm trước thôi, mặc dù là điểm du lịch gần trung tâm thành phố nhất, nhưng là nơi khó đi nhất, bởi đường tới Nam Cương chỗ thì đá sỏi lởm chởm, nơi thì cát lấp cả đường, di chuyển bằng xe ô tô còn khó nói gì phương tiện khác. Du khách bây giờ muốn tới Nam Cương thật dễ dàng và thuận tiện. Từ đường Thống Nhất thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, qua cầu Đạo Long 1 vào tuyến đường đôi mới hoàn thành, đi vài trăm mét đến khúc quanh rẽ trái, rồi cứ đi theo các bảng chỉ dẫn của Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh, qua thôn Tuấn Tú, theo tuyến đường bê tông mới hoàn thành là tới đồi cát. Du khách đi theo hướng này, hay từ đường Quốc phòng ven biển, hoặc qua cầu đập Hạ lưu sông Dinh tới Nam Cương đều thuận tiện.

Mỗi góc đồi cát Nam Cương là một bức tranh hoang sơ riêng biệt làm mê mẩn lòng người…

Nếu du khách ngày trước đã từng tới Nam Cương, bây giờ ghé lại hẳn sẽ phải bất ngờ về sự đổi thay của vùng đất vốn xưa nắng chang chang, từ ven làng tới chân đồi cát chỉ lèo tèo mấy đám đất trồng cây chịu hạn. Hai bên đường tới Nam Cương bây giờ là vườn táo, vườn nho, rẫy dừa và bạt ngàn ruộng măng tây xanh, loại cây mang lại lợi ích kinh tế cao và được mệnh danh là “rau Hoàng đế”. Trên tuyến đường này, du khách sẽ gặp nhiều mô hình hoa viên, nông trại hữu cơ và có hẳn 1 vườn thú ZooDoo độc và lạ, thu hút khá nhiều khách du lịch…

Với diện tích khoảng 700 ha, Nam Cương bốn bề chỉ là cát, xuôi về phía nam là màu đỏ đất Bazan chứa nhiếu khoáng sản Titan. Cảm giác đầu tiên của du khách sẽ thấy mình như lạc vào thế giới sa mạc rộng lớn. Cát dồn lên thành những ngọn đồi cao thấp, nối với nhau là những triền cát cong cong gợi trí tưởng tượng cho du khách tha hồ bay bổng. Cát mịn màng làm ta không nỡ bước lên, cát dữ dội khiến ai cũng muốn chinh phục. Bốn mùa nơi đây lúc nào cũng lộng gió. Vốn dĩ là đồi cát bay nên những lườn cát được gió thay đổi hình, tạo dáng liên tục. Mùa gió Nồm thì ngọn đồi dịch lên phía bắc và mùa Bấc gió xô đồi cát ngược về hướng nam. Khác với đồi cát Mũi Né hạt to và chỉ thuần một màu đỏ sậm, sắc màu ở đồi cát Nam Cương phụ thuộc vào mặt trời, trắng nhạt khi sáng sớm, vàng ươm khi nắng lên và đỏ au lúc hoàng hôn… Sở dĩ những nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước, mấy chục năm nay họ vẫn cứ say mê chốn này cũng bởi vì những lý do ấy. Cát và gió như một họa sỹ tài ba, tạo cho Nam Cương mỗi góc ảnh là một bức tranh hoang sơ riêng biệt làm mê mẩn lòng người…

Lên đồi cát để xem “Giếng nước” trên cao.

Đến sa mạc cát Nam Cương vào mùa hè là tuyệt nhất. Du khách có thể tới từ lúc sáng sớm, đứng trên đồi cao hít căng lồng ngực không khí thanh khiết, ngắm nhìn những đìa nuôi tôm trên cát, lung linh đèn trải dài ra phía biển. vươn vai đón mặt trời từ từ nhô lên từ ngút tầm mắt phía chân sóng đại dương…. Và khi những tia nắng đầu tiên trải dài trên đồi cát, hẳn ai cũng phải thích thú thốt lên, vì qua một đêm mặt cát đã xóa nhòa các dấu chân của những người hôm trước để lại. Cát lăn tăn như mặt sóng hồ trải dài ngút tầm mắt và chi chít dấu chân chim. Chiều khi mặt trời ngả về phía Cao nguyên Lâm Viên, thì đây là thời điểm Nam Cương đông người tới để chụp ảnh, dạo chơi và trượt trên các triền cát. Nhiều gia đình ở thành phố, sau một ngày làm việc học tập mệt mỏi, để trốn cái ngột ngạt thành phố, họ đưa con cái tới để hóng những cơn gió mát rượi mặn mòi từ biển đưa vào, rồi ngả mình tự tại trên cát ngắm mặt trời đang lặn, trải tầm mắt về thành phố vừa lên đèn lung linh. Lũ con nít cứ tha hồ chạy nhảy, đá bóng, trượt cát, lỡ có té cha mẹ cũng không sợ con đau... Không chỉ ban ngày Nam Cương mới nhộn nhịp thu hút du khách ghé chơi. Mỗi khi trăng tròn thì đây cũng xôn xao tiếng nói cười, khách chủ yếu là thanh niên ở thành phố và các làng quanh vùng. Họ lên đây ngắm trăng nhô lên từ biển, vui chơi đến lúc trăng quá đỉnh đầu mới nhường lại Nam Cương cho gió xóa vết ngày qua…

Mùa gió ở đây cũng không vắng khách, cứ mạnh dạn lên đồi đi, bạn đừng sợ cát bay vào mắt. Dù gió to đến mấy cát cũng không mù mịt bốc lên, bởi cát ở đây rất sạch không hề có bụi lẫn vào. Những ngày gió đứng từ xa nhìn lên mỏm đồi, triền cát Nam Cương thấy cát bay lên như khói, như sương. Đứng trên đồi, cát chỉ ràn rạt bay lên tới đầu gối là cùng. Không ít du khách thích thú vì điều này, khi vẫn mặc quần ngắn để cho cát mặc sức “mát xa” chân trần. Không cần chờ chiều nắng dịu, mà ngay cả lúc giữa trưa, đi trên đồi cát vẫn không sợ nóng chút nào, bởi lớp cát phía trên liên tục di chuyển, cộng với gió từ biển mang hơi ẩm vào sẽ làm nguội ngay bề mặt. Nam Cương còn có một hiện tượng hết sức lạ lùng, thú vị chưa có lời giải thích thỏa đáng và chỉ dành cho những ai đã leo lên đến đỉnh đồi mới biết. Trong những ngày nắng nhất, sẽ xuất hiện một mạch nước ngầm loang ướt cả một khoảng đồi, cào lên một chút là nước rịn ướt cả tay. Cảm giác như có thể đào một cái giếng nước giữa lưng đồi, bốn bề khô khát Nam Cương.

Độc đáo nghề “đi trên cát” của các thiếu nữ Chăm.

Nam Cương cho đến tận bây giờ mới chỉ xuất hiện 1 vài dịch vụ mang tính tự phát ở phía bên ngoài, chính sự “chậm trễ” ấy có khi là điều may, bởi phong cảnh hoang sơ vốn có sẽ không bị phá vỡ bởi bàn tay con người. Mọi người đến thăm thú nơi này, ngày thường cũng như dịp lễ tết, kể cuối tuần khi không ít cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới thì vẫn miễn phí hoàn toàn. Những nhiếp ảnh gia thì có thể set-up những cô gái Chăm của các làng lân cận để làm mẫu ảnh. Vài năm trở lại đây đã hình thành dịch vụ nhóm mẫu ảnh nghiệp dư “đi trên cát”, công việc của họ nhìn thì thấy đơn giản, bởi chủ yếu là đi theo sự hướng dẫn của các đạo diễn, nhưng trong vài giờ xếp thành hàng từ 3 đến 5 người, mặc trang phục đủ màu sắc, đội trên đầu 1 chiếc bình gốm, hay tay cầm chiếc “nhá” (Một dụng cụ bắt cá của người Chăm) di chuyển lên xuống các triền đồi thực sự khá là vất vả. Tuy nhiên, với họ lâu ngày cũng thành quen và họ diễn khá là chuyên nghiệp, không chỉ vì mưu sinh mà bởi họ còn phải có lòng đam mê nữa. Nhiều tác phẩm ảnh chụp đồi cát Nam Cương, đã đạt giải cao tại các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước, hoặc những bức ảnh đẹp nhất về nơi này mà mọi người có thể tìm thấy trên mạng internet, đều có bóng dáng của họ trong đó.

Đồi cát Nam Cương – điểm khám phá nét khác biệt đầy thú vị, trong hành trình du lịch tới miền đất nắng

Nếu tới Nam Cương đúng dịp lễ Ramadan hay lễ hội Ka Tê của người Chăm, du khách nhất định sẽ thích thú khi thấy đồi cát này như là một sân của lễ hội. Các cô gái Chăm trong sắc phục truyền thống đầy màu sắc, sau khi vào thánh đường, lên tháp rủ nhau tới đây vui chơi nhảy múa và du khách có thể chụp ảnh thỏa thích, hay trò chuyện làm quen với họ một cách rất tự nhiên.

Di chuyển khoảng 10 phút, từ chốn đô thị ồn ào náo nhiệt, bạn đã có thể cho mình một góc riêng tư tĩnh lặng. Đứng giữa mênh mông cát, trên triền đồi cao lộng gió, ngắm nhìn những giàn nho, táo, vườn măng tây xanh xanh ngát một vùng. Trong ráng chiều từng đàn cò rủ nhau kéo về tổ, lấp lóa trắng những rặng cây cuối đồi… Xa xa hàng trụ điện gió thong thả quay, nhấp nháy đèn gọi màn đêm buông, càng làm tôn thêm vẻ đẹp hoang sơ đến tĩnh lặng của Nam Cương. Ghé nơi này bạn nhớ gửi xe ngay quán cgiari khát duy nhất ở chân đồi. Chuẩn bị cho mình áo chống nóng, đi giày hoặc dép đế xẹp có quai, nhớ mang theo nước uống, đồ nhỏ như chìa khóa xe phải cất cẩn thận tránh để rơi xuống cát dễ bị vùi lấp; không xả rác ở đây. Đến Nam Cương nhiều du khách hay nhắc nhau: hãy đừng xả rác, chỉ để lại dấu chân và mang về những tấm ảnh đẹp.

Hiện nay đồi cát Nam Cương cũng đã đưa vào Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035. Còn bây giờ tới Ninh Thuận, nếu như bạn nhất thiết phải đến Vĩnh Hy, Hang Rái, Tháp Chăm, làng nghề… chắc chắn du khách không thể bỏ qua đồi cát Nam Cương, nơi sẽ cho bạn khám phá nét khác biệt đầy thú vị, trong hành trình du lịch tới miền đất nắng mà không ở đâu có được

Trần Thanh Sơn