Về Ninh Phước dự lễ hội Ka Tê

Trung tâm huyện Ninh Phước cách phía nam thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10 km. Huyện có 9 xã, thị trấn với 38.892 hộ/ 161.866 khẩu, trong đó, đồng bào Chăm có 10.233 hộ/ 50.115 khẩu, sinh sống tập trung chủ yếu tại 7 xã chiếm tỷ lệ 30,96 % so với dân số toàn huyện và chiếm trên 60% dân số đồng bào Chăm toàn tỉnh. Trong những năm gần đây, khách du lịch tới Ninh Phước thường ghé thăm các địa danh như đồi cát Nam Cương, làng nghề truyền thống của người Chăm tại Mỹ Nghiệp, Bàu Trúc, những điểm du lịch mới mở như Vườn thú Zoodoo, hồ sen Mỹ Nghiệp… ngoài ra còn các lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn và Bà Ni cũng thu hút rất đông khách du lịch ghé thăm vào mỗi dịp được tổ chức.

Khi nhắc tới Ninh Phước du khách thường nói đến văn hóa Chăm và đặc biệt là Lễ hội Ka Tê. Đây là lễ hội của người Chăm theo đạo Bà La Môn mỗi năm tổ chức 1 lần vào ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch (Khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch). Ka Tê là dịp để người Chăm tưởng nhớ công lao các vị thần như Po Ina Nagar, Po K’long Garai, Po Rome... và dâng lễ cúng tổ tiên với lòng thành kính, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đình bình an.

Trong các nghi thức lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận diễn ra chủ yếu ở ba khu đền tháp, (đây là 3 trong số rất ít khu đền tháp mà người Chăm còn tổ chức cúng tế hàng năm).

Ngày đầu tiên của Lễ Hội là lễ đón rước y phục của nữ thần Po Ina Nagar - Thần Mẹ xứ sở, được tổ chức trọng thể tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Cách thị trấn Phước Dân – Trung tâm huyện Ninh Phước 4 km). Đây có thể coi là sự kiện khai hội Lễ Ka Tê. Ngoài nghi thức đón xiêm y từ người Raglai trao để rước về làng, thì trên sân vận động sẽ có màn múa hát tập thể của hơn 300 người dân làng, rộn ràng trong tiếng trống GhiNăng, PaRaNưng, tiếng kèn Saranai, cùng các điệu múa, lời ca đầy màu sắc được dàn dựng công phu đậm chất truyền thống dân tộc Chăm.

Ngày thứ 2 của Lễ hội vào mùng 1/7 theo lịch Chăm, lễ rước y trang từ làng lên tháp và thực hiện nghi thức tắm, mặc y trang cho vua sẽ được diễn ra cùng lúc tại 3 nơi: Tháp Po Klong Garai, Tháp Po Rome và đền Po Ina Nagar. Nếu như Lễ hội Katê đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Chăm Ninh Phước, thì lễ đón rước y trang từ các làng Chăm lên Tháp chính là “hồn cốt” của Lễ hội Katê, đây chính là nghi thức quan trọng nhất và là điểm nhấn trong lễ hội Ka Tê của người Chăm. Từ các làng Hữu Đức, Hậu Sanh (xã Phước Hữu), Phước Đồng (xã Phước Hậu), kiệu nghênh rước xiêm y trong tiếng trống chiêng trang trọng, đi kề bên là những chức sắc, các thầy phụ trách tế lễ và các phụ nữ cao niên trong trang phục trắng choàng khăn đỏ, đầu đội lễ vật một cách trang nghiêm. Các thiếu nữ Chăm mặc áo dài truyền thống, vừa đi vừa múa quạt theo nhịp trống, điệu kèn. Những động tác múa quạt rung rinh như cánh bướm chập chờn trong nắng mùa thu, tạo nên nét vui tươi độc đáo của lễ hội Katê. Khi đoàn rước kiệu đưa y trang về đến đền tháp, vị Cả sư, bà Bóng và các vị chức sắc tiến hành nghi lễ xin phép các thần linh cho mở cửa tháp, đền để đưa y trang vào tháp. Vị Cả sư mang bình nước thiêng ra để tưới tắm, tẩy rửa tượng rồi dâng lễ, thay lễ phục cho các Po. Thầy Kadhar vừa kéo đàn Kanhi vừa hát mời vua thần Chăm và các vị thần hiện về tháp: Vua tắm sạch sẽ, đội mão, mặc áo, váy, dây lưng và cuối cùng mang đôi giày về hưởng lễ vật mà người dân tới cúng. Những người bên ngoài Tháp lúc này cùng vào khấn tế mời vua nhận lễ và cầu xin vua thần phù hộ cho con cháu. Sau khi kết thúc nghi lễ, bên ngoài đền, tháp bắt đầu mở hội với rộn ràng trống Ginăng, kèn Saranai và các chàng trai, cô gái Chăm trong vũ điệu truyền thống đầy màu sắc hấp dẫn, thôi thúc mọi người.

Ngày nay, lễ rước y trang trong Lễ hội Katê mặc dù vẫn giữ những nét đặc trưng truyền thống. Tuy nhiên vẫn có những thay đổi bởi từ nghi thức phong tục của các dòng tộc Chăm, Katê dần trở thành một lễ hội mang đầy đủ tính chất “lễ” và “hội”. Trong ngày này không chỉ diễn ra những nghi thức tín ngưỡng truyền thống của người theo đạo Bàlamôn, mà còn có sự tham gia tổ chức, sự có mặt của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương đến dự và chúc mừng. Ngoài ra, lễ Katê kèm theo phần hội với nhiều săc màu văn hoá đặc săc đã thu hút người dân trong vùng và khách tham quan, du lịch từ các nơi khác tìm đến tham gia giao lưu văn hóa. Trong ngày cúng mở cửa rước y trang lên tháp, có một điều rất đặc biệt đấy là: Không chỉ các gia đình Chăm theo đạo Bàlamôn mang đồ cúng lên tháp, mà có rất nhiều người Chăm theo đạo BàNi, cá biệt có cả người Kinh cũng đến cúng vái.

Ngày thứ 3 của Lễ hội Ka Tê, du khách sẽ được trải nghiệm tại những làng Chăm với các nghi thức cúng làng và tại các dòng họ, gia đình cũng được thực hiện trang trọng không kém các nghi lễ trên đền tháp. Theo tín ngưỡng thì mỗi làng sẽ thờ một vị thần khác nhau, tương tự như người Kinh thờ thần Thành Hoàng. Chủ tế tại làng thường không phải chức sắc tôn giáo mà sẽ là người uy tín trong Ban phong tục, họ thay mặt cho dân làng để dâng cúng lễ vật lên thần và cầu mong phù hộ phước lành cho tất cả người dân, gia đình trong làng. Kết thúc lễ cúng ở làng, người Chăm sẽ trở về tộc họ, và từng gia đình để làm dâng lễ lên tổ tiên. Tất cả những thành viên trong gia đình đều sẽ có mặt đông đủ, trang phục chỉn chu, thành tâm cầu nguyện tổ tiên phù hộ để có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt. Sau lễ cúng các gia đình tổ chức đãi khách với các món ăn truyền thống được chế biến từ thịt dê, cừu, gà… Các gia đình người Chăm thường rất hiếu khách, nếu du khách ghé thăm đúng bữa sẽ được mời bằng được cùng chung vui. Nhiều người coi việc khách đến nhà thăm chúc mừng Ka Tê là một vinh hạnh cho gia đình.

Trong lễ hội Ka Tê tại các làng Chăm hàng năm ngoài các nghi lễ truyền thống thì hầu hết các làng đều tổ chức các hoạt động hội làng. Những màn múa hát tập thể được tổ chức trên sân bóng; các cuộc thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian đội nước, bịt mắt đập lu, kéo co, đẩy gậy… hội thi văn hóa, văn nghệ dân gian, thi trang phục Chăm... đã tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi không chỉ trong dân làng mà đã lôi kéo rất nhiều du khách thập phương cùng tham gia.

Trước đây khách du lịch về dự lễ hội Ka Tê thường tham dự xong, phải về thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để ăn, nghỉ lưu trú. Nhưng hiện nay nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống và lưu trú đã được tổ chức phục vụ du khách khá là chu đáo. Đặc biệt là các homestay đã và đang được triển khai ngay tại các làng Chăm, các điểm tổ chức lễ hội như Khánh Ly Farmstay của gia đình chị Đàng Thị Saly với không gian xanh mát mẻ trong ngôi nhà truyền thống Chăm và những món ăn truyền thống Chăm đậm đà hương vị vùng miền; hay Khu lưu trú tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc với thiết kế nhìn bên ngoài đúng theo phong cách truyền thống, còn bên trong được trang thiết bị như một phòng khách sạn đạt chuẩn 2 sao. Ở đây du khách không chỉ được phục vụ với các món ăn truyền thống mà còn có dịp được thưởng thức, giao lưu cùng các vũ công của làng, được trải nghiệm nặn gốm theo đúng cách truyền thống gốm Chăm Bàu Trúc – một loại hình là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vừa được UNESCO ghi danh. Ngoài ra còn nhiều cơ sở lưu trú khác tại thị trấn Phước Dân và các làng Chăm đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu về dự Lễ hội Ka Tê của du khách.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, các nghi thức của Lê hội Ka Tê vẫn luôn được chính quyền quan tâm và cộng đồng Chăm ở đây nâng niu, duy trì và hầu như không thay đổi. Từ năm 2017, lễ hội Katê đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với xu hướng hiện nay, khách du lịch có nhu cầu tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với văn hóa bản địa. Hy vọng trong tương lai không xa, du lịch Ninh Phước, nhất là tại các vùng đồng bào Chăm trong các dịp Lễ hội có thể phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân thông qua các dịch vụ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương. Du lịch phát triển sẽ góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội tại địa phương./.

Một số hình ảnh hoạt động trong lễ hội Ka Tê thu hút rất đông du khách tại huyện Ninh Phước:

 

Trần Thanh Sơn