Kho bạc nhà nước Ninh Phước hướng đến mục tiêu hình thành kho bạc “3 không”

Để đạt được mục tiêu chung của Hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 là số hóa hoạt động kho bạc, hình thành kho bạc điện tử, kho bạc “3 không”: Không khách hàng giao dịch, không chứng từ giấy và không sử dụng tiền mặt, kho bạc Nhà nước Ninh Phước đã tập trung mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng trong phục vụ khách hàng giao dịch, nâng cao năng suất lao động và đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đến nay đã có 100% đơn vị thực hiện (không tính hai đơn vị không thuộc diện bắt buộc thuộc khối ANQP). Thời gian cao điểm vào tháng 12 và tháng 01 các năm trước lượng khách hàng đến giao dịch rất đông. Từ khi áp dụng dịch vụ công trực tuyến đến nay, vào thời gian này số lượng khách hàng đến giao dịch rất ít, có chăng cũng là một vài khách hàng đến gửi đối chiếu và nhận danh sách chi trả cho người thụ hưởng để gửi ngân hàng. Mọi trao đổi và hướng dẫn đều được thực hiện qua điện thoại, email hoặc ứng dụng mạng. Dần đáp ứng mục tiêu “Không khách hàng giao dịch” và “không chứng từ giấy”.

Bên cạnh đó, Để từng bước hoàn thành mục tiêu “Thanh toán không dùng tiền mặt” Kho bạc Nhà nước Ninh Phước đã chủ động tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn huyện hạn chế thanh toán dùng tiền mặt, tuân thủ thông tư 136/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 13/2017/TT-BTC quy định thu chi quản lý tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Khuyến khích việc thu nộp và chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt (dù dưới 100 triệu đồng/lần) thực hiện qua ngân hàng. Dần dần các đơn vị sử dụng ngân sách đã có thói quen này, giảm thiểu được rủi ro trong quản lý tiền mặt tại Kho bạc. Chủ động phối hợp với các cơ quan như Công an huyện, Chi cục thuế, Chi cục quản lý thị trường, UBND các xã, thị trấn..vv.. để hướng dẫn người nộp thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính, phạt vi phạm an toàn giao thông, tạm thu tạm giữ thi hành án, đảng phí, kinh phí công đoàn, thu tiền sử dụng đất, ủng hộ các quỹ vào tài khoản đơn vị mở tại kho bạc và các khoản thu nộp bằng tiền mặt khác thực hiện nộp tiền mặt tại các ngân hàng, ngân hàng sẽ truyền số liệu về cho kho bạc. Nếu khách hàng chưa nắm thông tin, vẫn đến nộp tiền mặt tại kho bạc thì giao dịch viên vẫn tiến hành thu, đồng thời hướng dẫn khách hàng lần sau có thể nộp trực tiếp tại ngân hàng mà không cần đến kho bạc. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện, trao đổi phương thức thực hiện sao cho tạo được sự thuận lợi nhất cho khách hàng.

Chị Giang Thanh - thủ quỹ UBND xã Phước Hậu đang thực hiện rút tiền mặt (Khoản chi phục vụ công tác bầu cử HĐND đã được Kho bạc phê duyệt và tiến hành đẩy thanh toán song phương qua kênh ngân hàng) tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Bắc Ninh Phước. Chị cho biết, so với việc phải đến kho bạc Ninh Phước hoặc ngân hàng nông nghiệp Ninh Phước nộp hoặc rút tiền phải mất hơn 6km, thì nay đến ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Bắc Ninh Phước chỉ mất hơn 1km, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Tương tự đối với các đơn vị có trụ sở hoặc nơi làm việc đặt tại các xã Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Thái, Phước Thuận. Có được sự thuận tiện này là nhờ vào sự nhạy bén của Kho bạc Ninh Phước, đã nắm bắt và trao đổi kịp thời với ngân hàng Nông nghiệp Ninh Phước để khách hàng được rút và nộp ở chi nhánh.

Với những nỗ lực và giải pháp nêu trên, Kho bạc Ninh Phước đang từng bước hoàn thành mục tiêu chung của toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

                                                                                                Hồng Phúc- KBNP