Nâng cao chất lượng hoạt động tại Điểm giao dịch xã

Hoạt động giao dịch tại xã, thị trấn (gọi tắt là giao dịch tại xã) nhằm giúp người người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và giảm nghèo được thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện theo quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực thi tín dụng chính sách.


(Họp giao ban giữa NHCSXH với Lãnh đạo UBND xã, các Tổ chức hội, BQL các thôn và Tổ TK&VV tại Điểm giao dịch xã)

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước có 9/9 điểm giao dịch xã, thị trấn. Để các hoạt động giao dịch tại xã luôn đạt kết quả cao. Thời gian vừa qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ninh Phước thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã, đó là: niêm yết công khai đầy đủ thủ tục giải quyết công việc; công khai dư nợ; thông báo chính sách tín dụng ưu đãi theo đúng quy định; Trước mỗi phiên giao dịch cố định hàng tháng, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thực hiện nghiêm quy định giao ban cùng với Chủ tịch UBND xã, các đoàn thể nhận uỷ thác, Ban quản lý các Thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nhằm phổ biến những chính sách mới, thông báo tình hình hoạt động tháng trước, đề ra giải pháp và kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tín dụng chính sách nhằm giúp phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách... Hoạt động giao dịch tại xã, NHCSXH còn cung cấp dịch vụ tiền gửi tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhận và hộ vay thông qua Tổ TK&VV.  Giao dịch tại xã đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận dễ dàng nguồn vốn chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời cũng tạo cho người nghèo hình thành thói quen, có phương pháp quản lý tài chính, chi tiêu tiết kiệm, tham gia gửi tiền hàng tháng để trả nợ gốc giảm gánh nặng khi đến hạn trả nợ và tiến tới tạo lập nguồn vốn tự có. Hoạt động tại các điểm giao dịch xã luôn được địa phương phối hợp chặt chẽ đảm bảo an ninh, an toàn về người và tài sản trong quá trình giao dịch. Thông qua hoạt động của các điểm giao dịch xã, vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến tận tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí đi lại và thuận lợi cho người dân khi tham gia các dịch vụ của NHCSXH.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với các địa phương cùng với NHCSXH huyện đã giải ngân cho hơn 2.640 lượt hộ với số tiền 106,2 tỷ đồng tại các điểm giao dịch xã. Đến ngày 22/9/2020, các hội, đoàn thể đang quản lý 349 tổ TK&VV với 102.141 hộ vay, dư nợ 511,3 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ./.

 

            Long Phụng