Triển khai hoá đơn điện tử - Tổng cục Thuế

Đăng ngày 25 - 11 - 2022
Lượt xem: 121
100%

Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn cần thiết phải thường xuyên sử dụng hóa đơn để ghi nhận thông tin về việc mua bán hàng hóa dịch vụ. Hóa đơn cũng chính là tài liệu để làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Việc sử dụng hóa đơn của người dân và doanh nghiệp có ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Do vậy, quản lý hóa đơn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

 

1. Thực trạng

Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn cần thiết phải thường xuyên sử dụng hóa đơn để ghi nhận thông tin về việc mua bán hàng hóa dịch vụ. Hóa đơn cũng chính là tài liệu để làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Việc sử dụng hóa đơn của người dân và doanh nghiệp có ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Do vậy, quản lý hóa đơn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

Trước khi có hoá đơn điện tử (HĐĐT) thì hóa đơn giấy được sử dụng rất nhiều trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên hóa đơn giấy còn tồn tại nhiều hạn chế cũng như khó khăn khi sử dụng như cần có kho lưu trữ hóa đơn, khoảng cách địa lý là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc chuyển hóa đơn. Hơn nữa, tình trạng bị mất, thất lạc hóa đơn rất khó kiểm soát. Hóa đơn giấy cũng có nhiều thủ tục hành chính có liên quan như: khai báo sử dụng, thông báo mất hoá đơn. . .

Để giúp doanh nghiệp giải được bài toán về chi phí hóa đơn, HĐĐT là giải pháp thích hợp. Lợi ích của HĐĐT là dễ thấy như: tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; giảm thiểu tình trạng giả mạo hóa đơn; thuận lợi cho công tác quản lý; gia tăng lợi ích với khách hàng, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mọi quy trình thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn, lập hóa đơn, chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo giao dịch điện tử cấp độ 4, minh bạch, tiện lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế. Ứng dụng hóa đơn điện tử tại doanh nghiệp, có thể liên thông với các ứng dụng khác như quản lý kho hàng, quản lý chuỗi cung ứng, kế toán doanh nghiệp, khai thuế điện tử. Vì vậy, công việc hạch toán kế toán tại doanh nghiệp cũng được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn.

Đối với xã hội, HĐĐT góp phần thúc đẩy thương mại điện tử và giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt phát triển; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế; thúc đẩy chuyển đổi số tại cơ quan thuế cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.

2. Triển khai

Nhận thấy HĐĐT ngày càng phổ biến trong giao dịch thương mại và trở thành một xu hướng tất yếu trong điều kiện công nghệ thông tin, ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ ở tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang HĐĐT là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch, Nhà nước đã hình thành khuôn khổ pháp lý đồng bộ và ngày càng hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho các giao dịch điện tử nói chung và sử dụng HĐĐT nói riêng. Cụ thể Luật Giao dịch điện tử ban hành năm 2005; Luật Kế toán ban hành năm 2003 và được sửa đổi năm 2015.Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng đã dành hẳn một chương quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử, theo đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân bắt buộc sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/7/2022. Để đáp ứng yêu cầu của Luật Quản lý thuế số 38/2020/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về phạm vi, đối tượng áp dụng HĐĐT với một số quy định mới phù hợp với thực tế.

Thực hiện các quy định trên, ngay từ đầu, Tổng cục Thuế đã xác định việc sử dụng HĐĐT trên toàn quốc là một trong những điểm nhấn quan trọng của quá trình chuyển đổi số ngành thuế. Vì vậy, toàn ngành thuế phải vào cuộc với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao nhất, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng cơ quan thuế. Tổng cục Thuế đã khẩn trương thực hiện các công việc để triển khai HĐĐT trên toàn quốc. Cụ thể: Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai HĐĐT theo 2 giai đoạn và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 với 6 tỉnh, TP là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Sáu địa phương này có số lượng người nộp thuế chiếm 60% so toàn quốc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm chiếm khoảng 70% so toàn quốc, việc triển khai HĐĐT thành công ở 6 tỉnh/ thành phố này là tiền đề quan trọng cho việc triển khai giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 với 57 địa phương còn lại, đảm bảo từ tháng 7/2022 HĐĐT theo luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 bao phủ trên toàn quốc.

Tổng cục Thuế tập trung gần 100 chuyên gia công nghệ thông tin của ngành cùng với đối tác phát triển phần mềm gấp rút triển khai việc phân tích, thiết kế, xây dựng các phân hệ ứng dụng HĐĐT phục vụ người nộp thuế và công tác quản lý của cơ quan thuế. Đến nay, hệ thống ứng dụng HĐĐT của ngành thuế mang tính hiện đại, an toàn, bảo mật cao, có thể xử lý hàng nghìn giao dịch theo thời gian thực, có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn khoảng 6,4 tỷ hoá đơn mỗi năm đã được hoàn thành. Tổng cục Thuế cũng đã tập trung nguồn lực, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác quản trị, vận hành hệ thống ứng dụng 24/7; kịp thời nâng cấp hệ thống HĐĐT đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong triển khai và mở rộng hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo việc triển khai HĐĐT trên toàn quốc hoạt động ổn định, thông suốt, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế (NNT).

Tổng cục Thuế cũng phối hợp với Ban chỉ đạo triển khai HĐĐT tại các tỉnh, thành phố lập kế hoạch triển khai chi tiết tới từng cơ quan thuế theo đặc điểm của từng vùng miền và thực hiện các nội dung chuẩn bị triển khai, như: tập huấn chính sách, quy trình sử dụng HĐĐT cho công chức thuế, NNT trên toàn quốc; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT, tổ chức cung cấp chữ ký số để  bổ sung nguồn lực hỗ trợ NNTchuyển đổi từ hóa đơn giấy sang sử dụng HĐĐT. Tổ chức hội nghị giữa các Cục Thuế, các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT và Tổng cục Thuế để xác định phương án triển khai phù hợp.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo về lợi ích và kế hoạch triển khai HĐĐT đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh để NNT biết và thực hiện. Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ NNT về chính sách, quy trình, phần mềm HĐĐT qua đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử và qua chatbot; rà soát, phân loại tổng thể NNT là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại HĐĐT theo quy định...

3. Kết quả

Sau một thời gian thực hiện, nhìn chung Hệ thống HĐĐT theo luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với những tính năng nổi trội đã giúp giải quyết được phần lớn các bài toán về quản lý thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. HĐĐT đã giúp NNT giảm được từ 50 – 70% chi phí so với hóa đơn giấy, giảm được thời gian phát hành hóa đơn, chi phí lưu trữ, thuận tiện trong quản trị kinh doanh. Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với  số lượng 4 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng HĐĐT, số tiền mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được trên 3.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, việc sử dụng HĐĐT tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Vì vậy, HĐĐT đã được xã hội chấp nhận, đã thực sự đi vào cuộc sống.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết tính đến hết ngày 30/6/2022, trên cả nước đã có 100% tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng HĐĐT, với số lượng HĐĐT được phát hành lên tới hơn 536 triệu hóa đơn.Cụ thể, có 851.372 tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh (đạt 100% tổng số tổchức, doanh nghiệp, chi nhánh đang sử dụng hóa đơn có nhu cầu đăng ký sử dụng HĐĐT) và 65.576 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT. Theo báo cáo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 27/9/2022, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,5 tỷ hóa đơn, trong đó, 416 triệu hóa đơn có mã và 1,1 tỷ hóa đơn không mã.

Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng, tổng hợp cơ sở dữ liệu về HĐĐT tập trung trên toàn quốc làm cơ sở để trong giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai các giải pháp, công cụ phân tích rủi ro nhằm nâng cao việc phòng chống hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế và tạo nền tảng cho việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ NNT, cơ quan ban ngành trong việc khai thác sử dụng dữ liệu HĐĐT. Cụ thể ngành thuế đã thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống HĐĐT tại cơ quan thuế trên nền tảng công nghệ 4.0, hệ thống dữ liệu lớn (Big data) giúp xử lý số lượng lớn giao dịch hóa đơn, tích hợp với dữ liệu quản lý thuế và dữ liệu thu thập từ bên ngoài, đảm bảo an toàn bảo mật. Trên cơ sở đó, ngành thuế có được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, tập trung thống nhất trong toàn ngành thuế về toàn bộ các hoạt động giao dịch mua bán của NNT, tạo điều kiện cho ngành thuế  triển khai các giải pháp công nghệ để áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế; tự động hoá hệ thống CNTT; cung cấp các dịch vụ tra cứu, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường, điều tra chống gian lận thương mại.

Việc ngành thuế bước đầu triển khai thành công Hệ thống HĐĐT được Chính phủ, người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đã và đang góp phần thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan thuế cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.

Mặc dù phía trước còn nhiều thách thức, còn nhiều công việc khó khăn phải thực hiện nhưng với sựquyết tâm, đồng lòng của cả toàn xã hội, sự động viên hỗ trợ từ hệ thốngchính trị, ngành thuế tin tưởng sẽ triển khai thành công các ứng dụng để khai thác lợi ích từ hệ thống HĐĐT toàn quốc trong giai đoạn tới./.

Tin liên quan

Phần mềm chống lừa đảo sẽ được cho ra mắt trong năm 2024(15/01/2024 2:02 CH)

Tạp chí chuyển đổi số tháng 10(09/10/2023 10:38 SA)

Tài khoản định danh điện tử: Giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả và bảo mật các dịch vụ công(21/07/2023 8:35 CH)

Cảnh báo tấn công mạng từ 8 lỗ hổng bảo mật mới(07/06/2023 7:30 CH)

Sử dụng giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID thế nào(09/05/2023 9:05 SA)

Tin mới nhất

Kế hoạch Triển khai thực hiện Chuyển đổi số huyện Ninh Phước năm 2024(20/03/2024 3:18 CH)

Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2025(30/01/2024 4:50 CH)

Phần mềm chống lừa đảo sẽ được cho ra mắt trong năm 2024(15/01/2024 2:02 CH)

Bản tin giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh tháng 12/2023 (25/12/2023 4:16 CH)

Báo cáo Tình hình hình thực hiện chuyển đổi số năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024(30/11/2023 3:16 CH)

60 người đang online
°